Tứ Diệu Đế Kinh
Catuariyasacca
Soạn giả
Trưởng Lão Hoà Thượng Hộ Tông
Vaṅsarakkhita Mahāthera
Dukkha samudaya ariyasacca
Đức Thế Tôn tự lập lời hỏi, mà giải về tập khổ diệu đế như vầy:
Này các vị tỳ khưu! Tập khổ diệu đế là gì?
Ngài tự giải đáp: Lòng ái dục làm cho chúng sanh thọ sanh mà sanh vào các cảnh giới mới, ái dục là sự khao khát, ưa muốn, vui thích trong tam giới cho nên chúng sanh sanh vào cảnh giới nào cũng tại nó dắt dẫn và đeo đuổi trong cảnh giới ấy, không rời bỏ bao giờ. Sự ưa muốn về sắc trần, thinh trần, hương trần, vị trần và xúc trần, nó ôm ấp, khắn khít trong tâm, chẳng khác dây thiết tỏa trói buộc chúng sanh trong tam giới mà phải chịu cái nạn tử sanh, sanh tử, chịu khổ sanh trong các cảnh giới nhỏ to, khổ già, khổ bệnh làm cho tiều tụy xác thân, rồi khổ chết chực hờ mà đoạn đứt mạng căn.
Lòng ái dục của chúng sanh có 3 bực:
1. kama tanha: ái dục trong cảnh dục giới;
2. bhava tanha: ái dục trong cõi trời sắc giới;
3. vibhava tanha:ái dục trong cõi trời vô sắc giới.
Ái dục trong dục giới – Thuộc về cái tâm tham luyến theo ngũ dục và vọng móng cho được sanh làm người và làm Chư thiên trong sáu tầng trời dục giới (Chakamavacara), tất cả chúng sanh hằng bố thí, trì giới và làm các điều phước thiện, chỉ mong cho kết quả đặng mà sanh làm người, làm trời trong các cảnh trời dục giới, ấy gọi là ái dục trong dục giới.
Ái dục trong sắc giới – Thuộc về tâm tham muốn của một hạng tu hành, vì lòng thường kiến, tưởng rằng: Nếu đặng sanh vào cõi trời sắc giới hoặc vô sắc giới thì tránh khỏi đặng những khổ già, đau, chết. Tin chắc như thế mới ráng tinh tấn tu hành chỉ ước mong sanh vào cõi sắc ấy, cho nên gọi là ái dục trong sắc giới.
Ái dục trong vô sắc giới – Là sự tham lam của tâm đoạn kiến, cho rằng: nếu sanh vào được cõi trời vô sắc rồi tự nhiên đoạt tuyệt nguồn sanh tử luân hồi, cho nên có hạng tu hành chấp theo đoạn kiến ấy rồi tham vọng cho đặng sanh vào cõi ấy, cho nên gọi là ái dục trong vô sắc giới.
Ba cái tâm ái dục ấy gọi là tập khổ diệu đế, bởi nói là cái tập nhân sanh các quả khổ, tâm ái dục (kama bhaba); tâm ái dục trong sắc giới, và tâm ái dục trong vô sắc giới đều là tập nhân phiền não trong cõi sắc (rupa bhaba) và cõi vô sắc (arupa bhaba).
Ngoài ba cái tâm ái dục, các sự khổ não không do đâu mà phát sanh ra được. Nếu có thể đoạn tuyệt được lòng ái dục, thì những sự khổ sanh, lão, bịnh, tử, cũng đồng thời tiêu diệt.
Bởi cái tâm ái dục, hằng dắt dẫn xô đẩy làm cho chúng sanh phải trầm luân đời đời kiếp kiếp trong biển khổ. Cái biển chính là tam giác mênh mông không bến không bờ, không nơi cho chúng sanh nương dựa, cho nên Như Lai mới gọi ái dục là mẹ đẻ các tội khổ vậy.
Rồi đó Đức Thế Tôn giảng giải về nhân sanh ái dục trong các trần cảnh, Ngài nói: Nầy các vị tỳ khưu! Cái tâm ái dục phát sanh nơi nào, muốn diệt nó thì cũng diệt tại nơi ấy. Nghĩa là cái chi ta yêu mến, hạp ý, vừa lòng, do đó mà lòng ái dục phát sanh.
Cái tâm ái dục nếu giải rộng ra thì có 108: tâm ái dục trong dục giới có 36, tâm ái dục trong sắc giới có 36, tâm ái dục trong vô sắc giới có 36. Tất cả tâm ái dục trong 3 cõi có 108 như sau đây: 36 cái tâm ái dục trong dục giới chia ra làm 3 thời kỳ: thời kỳ quá khứ 12, thời kỳ hiện tại 12 và thời kỳ vị lai 12. Lại, mỗi thời kỳ là 12 đó chia ra làm hai: 6 cái tâm ái dục do nơi lục căn là nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn và ý căn; 6 cái tâm ái dục do nơi lục trần là sắc trần, thinh trần, hương trần, vị trần, xúc trần và pháp trần.
Tâm ái dục do lục căn – Khi nào ta đứng trước gương soi bóng ta, ta thấy mắt, tai, mũi, lưỡi, thân hình ta rồi ta phát lòng yêu mến, hài lòng, phấn khởi làm vui mừng mà cho lục căn ta đều xinh đẹp, đó gọi là tâm ái dục phát khởi do lục căn.
Tâm ái dục phát khởi do lục trần ‒ Khi nào ta thấy vật chi hoặc hữu tưởng hoặc vô tưởng mà ta cho là xinh đẹp; nghe tiếng chi dịu dàng êm ái; hửi mùi chi thơm tho; nếm mùi chi ngon ngọt, rờ đụng vật chi mềm mại, mát mẻ; gặp lý do nào vừa ý hạp lòng; rồi phát khởi lòng tham muốn, muốn cho đặng tất cả những sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp ấy thuộc về của ta. Đó gọi là lòng ái dục phát khởi do lục trần.
Sáu cái tâm ái dục phát khởi do lục căn hiệp với 6 cái tâm ái dục phát khởi do lục trần là 12, cả 12 cái tâm ái dục trong kiếp hiện tại hiệp với 12 cái tâm ái dục trong kiếp quá khứ và 12 cái tâm ái dục trong kiếp vị lai đều đủ là 36 cái tâm ái dục. Cộng chung 36 cái tâm ái dục trong Dục giới, 36 cái tâm ái duc trong Sắc giới và 36 cái tâm ái dục trong Vô sắc giới. Tất cả là 108 cái tâm ái dục.
Nếu đem ba cái tâm ái dục là ái dục trong Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới mà nhân cho 6 căn, thì 6 căn ấy phải 3 lần lên là 18; 3 cái tâm ái dục trong 3 cõi nhân cho 6 trần, thì cũng 3 lần 6 trần là 18. Cộng chung 2 lần 18 ấy là 36 cái tâm. Mỗi kiếp có 36 tính luôn ba kiếp là hiện tại, quá khứ và vị lai tất cả cũng có 108 cái tâm ái dục. Người trí thức nên biết lòng ái dục có năng lực làm cho phát sanh Phiền não dục (kilesa kama) và Vật dục (vattha kama).
Lòng ái dục tùy kiến thức của chúng sanh. Lòng ái dục nào tùy thuộc thường kiến (sassataditthi) là kiến thức thấy vạn vật hằng còn, hễ sanh ra thế nào, chết đi rồi sanh lại cũng như thế ấy. Ái dục ấy gọi là ái dục trong dục giới do tâm thường kiến.
Còn lòng ái dục trong Vô sắc gới, phát sanh do đoạn kiến (uchedaditthi) là kiến thức thấy tất cả chúng sanh chết đi thì tiêu tan, không luân hồi sanh tử chi nữa.
Chúng sanh bao giờ còn mang lòng ái dục tự nhiên còn khổ, bằng dứt bỏ cho được rồi các sự buồn rầu khổ não, cái chi cũng đều diệt tận. Cho nên Phật dạy các bậc tu hành phải ráng trau dồi thân, tâm cho nhẹ nhàng trong sạch, xa lìa sự tham luyến ngũ trần, đến khi tâm chẳng còn duyên theo phiền não dục và vật dục nữa, thì các tội khổ cũng tiêu tan. Các bậc thánh nhân nhứt là Đức Thế Tôn, sau khi dứt bỏ được những điều ái dục, trong tâm của các ngài đã phủi sạch bụi trần chẳng còn vi tế phiền não nữa. Ấy vậy, Phật diễn giải cho là Tập khổ diệu đế.