PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
THERAVĀDA
–––––
THÂN QUÁN NIỆM XỨ
(KĀYĀNUPASSANĀSATIPAṬṬHĀNA)
Soạn giả
TRƯỞNG LÃO HỘ TÔNG
(VAṄSARAKKHITA MAHĀTHERA)
Phương pháp quán tưởng số tức quan của thân quán niệm xứ có 4 là: hành giả phải tìm ngụ trong nơi thanh vắng; ngồi tham thiền, thân thể cho ngay thẳng; trí nhớ chăm chú hơi thở ra, hít vô; người có mũi dài phải dùng trí nhớ để tại chót mũi, kẻ có mũi vắn cần để trí nhớ tại môi trên. Nên phân biệt 4 ý nghĩa như dưới đây:
Ý nghĩa thứ 1:
Dīghaṃ vā assasanto dīghaṃ assasāmīti pajānāti:
Hành giả khi thở ra dài, tự nhiên, là người phân biệt theo, biết cho kịp rằng: ta đang thở ra dài, như vậy.
Dīghaṃ vā passanto dīghaṃ passasamītī pajānāti:
Hành giả khi hít vô dài, tự nhiên, là người phân biệt theo, biết cho kịp rằng: ta đang hít vô dài, như vậy.
Ý nghĩa thứ 2:
Rassaṃ vā assasanto rassaṃ assasāmīti pajānāti:
Hành giả khi thở ra vắn, tự nhiên, là người phân biệt theo, biết cho kịp rằng: ta đang thở ra vắn, như vậy.
Rassaṃ vā passanto, rassaṃ passasāmītī pajānāti:
Hành giả khi hít vô vắn, tự nhiên, là người phân biệt theo, biết cho kịp rằng: ta đang hít vô vắn, như vậy.
Ý nghĩa thứ 3:
Sabba kāyapaṭisaṃvedī assasissāmīti sikkhati:
Hành giả là người biết thấu đến tất cả hơi thở ra, tự nhiên, phân biệt theo, biết cho kịp rằng: ta sẽ thở ra, như vậy.
Sabba kāyapaṭisaṃvedī passasissāmīti sikkhati:
Hành giả là người biết thấu đến tất cả hơi hít vô, tự nhiên, phân biệt theo, biết cho kịp rằng: ta sẽ hít hơi vô, như vậy.
Ý nghĩa thứ 4:
Passambhayaṃ kāyassaṅkhāraṃ assasissāmīti sikkhati:
Hành giả là người làm hơi thở ra thô thiển cho yếu bớt, tự nhiên, phân biệt theo, biết cho kịp rằng: sẽ giảm lần lần hơi thở ra từng tí, như vậy.
Passambhayaṃ kāyasaṅkhāraṃ passasissāmīti sikkhati:
Hành giả là người làm hơi hít vô thô thiển cho yếu bớt hằng phân biệt theo, biết cho kịp rằng: ta sẽ giảm thì lần hơi hít vô từng tí, như vậy.
Trong phương pháp tiến hành đề mục số tức quan theo cách đó, hành giả nên học tập trong sự phân biệt đề mục số tức quan theo 8 ý nghĩa sau đây:
Ý nghĩa thứ 1: tính quan tâm (gaṇanā) là chú ý phân biệt đếm đôi hơi thở ra, hít vô, 1 đến 10, như dưới đây: Thở ra một lần đếm 1 – 2 – 3 – 4 – 5. Hít vô một lần đếm 1 – 2 – 3 – 4 – 5. Thở ra một lần đếm 1 – 2 – 3 – 4 – 5 – 6. Hít vô một lần đếm 1 – 2 – 3 – 4 – 5 – 6. Thở ra một lần đếm 1 – 2 – 3 – 4 – 5 – 6 – 7. Hít vô một lần đếm 1 – 2 – 3 – 4 – 5 – 6 – 7. Thở ra một lần đếm 1 – 2 – 3 – 4 – 5 – 6 – 7 – 8. Hít vô một lần đếm 1 – 2 – 3 – 4 – 5 – 6 – 7 – 8. Thở ra một lần đếm 1 – 2 – 3 – 4 – 5 – 6 – 7 – 8 – 9. Hít vô một lần đếm 1 – 2 – 3 – 4 – 5 – 6 – 7 – 8 – 9. Thở ra một lần đếm 1 – 2 – 3 – 4 – 5 – 6 – 7 – 8 – 9 – 10. Hít vô một lần đếm 1 – 2 – 3 – 4 – 5 – 6 – 7 – 8 – 9 – 10.
Trong khi phân biệt đếm như vậy, phải có trí nhớ chăm chú trong sự đếm không cho tâm phóng túng đi tìm cảnh giới khác, phân biệt đếm theo hơi thở như thế đó, cho đến khi tâm an trụ trong sự đếm chơn chánh như vậy. Tiếp theo phải có trí nhớ phân biệt biết theo hơi thở ra hít vô bằng cách ngưng đếm, vì tâm đã an trụ chơn chánh rồi, nên không cần đếm, là duyên cho sanh ý nghĩa thứ 2 nối tiếp.
Ý nghĩa thứ 2: liên tiếp quan tâm (anubandhanā) là chú ý theo hơi thở ra, hít vô, do không để ý đếm và không tưởng đến chặng đầu, giữa và cuối cùng của hơi thở ra, hít vô tiếp xúc đó.
Song, hành giả cần phải lưu tâm biết hơi thở ra hít vô trong khi vừa sanh, đang sanh và diệt, cho đến tất cả hơi thở ra hít vô vắn hay dài, vi tế hoặc thô thiển. Cần phải phân biệt chu đáo đều đủ. Khi hành giả chú tâm phân biệt hơi thở ra hít vô như vậy, dù là hơi thở tiếp xúc trong nơi nào cũng phân biệt theo cho được, mới là duyên cho sanh ý nghĩa thứ 3.
Ý nghĩa thứ 3: tiếp xúc quan tâm (phusanā) là chú ý để tâm ngay chỗ hơi thở ra hít vô. Nghĩa là người có mũi dài, hơi thở ra đụng chót mũi; kẻ có mũi vắn, hơi thở ra chạm môi trên. Hành giả vừa phân biệt chỗ hơi thở ra, hít vô chạm nhằm, đó là triệu chứng cho phân biệt được. Khi hành giả chú tâm bằng phương pháp như thế đó, hơi thở thô thiển sẽ giảm yếu, nhỏ nhẹ thì lần hơi thở vi tế sẽ rõ rệt, cho đến khi tâm khó thấy được. Tâm của hành giả sẽ an trụ, đó là duyên cho sanh ý nghĩa thứ 4.
Ý nghĩa thứ 4: sự ngưng (ṭhapanāmanasikāra) là chú tâm vững vàng đối với hơi thở vi tế không rõ rệt, trong thời đó là duyên cho sanh ánh sáng, giống như ánh sáng của ngọc maṇi gọi là sanh paṭibhāganimitta1Là triệu chứng từ uggahanimitta mà sanh (xem pháp chánh định, trang 36). sẽ có sự hiểu biết rằng: triệu chứng rõ rệt một thời, hơi thở ra một thời, hơi hít vô một thời. Cả 3 loại đó không phải là cảnh giới của tâm chung cùng nhau, là cảnh giới của nhiều tâm, nhiều đạo. Khi hành giả nhận thức như vậy rồi, cần phải chú tâm phân biệt cho nhiều, nên dùng triệu chứng paṭibhāga đó để định tâm cho chơn chánh.
Về ý nghĩa thứ 1, 2, 3, 4 như đã giải đó, toàn là “chỉ quán đạo” nghĩa là: ý nghĩa thứ 1 là duyên cho sanh ý nghĩa thứ 2, ý nghĩa thứ 2 là duyên cho sanh ý nghĩa thứ 3, ý nghĩa thứ 3 là duyên cho sanh ý nghĩa thứ 4. Ý nghĩa 1, 2, 3 thuộc về nhất thời định. Về phần ý nghĩa thứ 4 là cận định, là duyên cho sanh nhập định. Ý nghĩa thứ 4 này là duyên kiên cố cho sanh ý nghĩa thứ 5 thuộc về thông tuệ đạo. Hành giả mong tiến hành đề mục thông tuệ, nhất là đề số tức quan, trước phải hành theo 4 ý nghĩa đầu của số tức quan như đã giải cho thành đề mục thiền định, đắc thiền trước rồi mới dùng định lực đó để thi hành đề mục thông tuệ của thân quán niệm xứ tiếp theo, có giải trong ý nghĩa thứ 5 như vầy:
Ý nghĩa thứ 5: biện biệt quan tâm (sallakkhaṇāmanasikāra) là chú tâm phân biệt định tâm đã sanh do đề mục số tức quan đó rồi đem dùng làm đề mục thông tuệ để tu pháp thông tuệ theo chú giải dưới đây:
So jhānā vuṭṭhahitvā assāsapassāse vā pariggaṇhati jhānaṅgāni vā pariggaṇhati.
Hành giả đắc định đó, có sự mong mỏi tu đề mục thông tuệ của thân quán niệm xứ, phải xuất thiền trước rồi mới quán tưởng hơi thở ra hít vô cho thấy là sắc danh rồi xem xét chi thiền loại 4 (catukanāya) và loại 5 (pañcakanaya) cho là sắc, là danh như vậy.
Trong Thanh Tịnh Đạo (Visudhimagga) cũng có thuyết đề như vầy:
Evaṃ nibbattacattukapañcakajjhāno panettha bhikkhu sallakkhaṇāvivaṭṭanāvasena kammaṭṭhānaṃ vaḍḍhetvā parisuddhiṃ pattukāmo tadeva jhānaṃ pañcahākārehi vasipapattaṃ pagunaṃ katvā nāmarūpaṃ va vaṭṭhapetvā vipassanam paṭṭhapeti…
Tỳ–khưu là bậc hành giả đắc thiền số tức quan đề mục, rồi mới hành thông tuệ đề mục trong thân quán niệm xứ, là người đắc quả trực giác bằng năng lực thông tuệ trực giác và đạo tuệ, rồi hành định tâm đó cho đến khi thuần thục bằng năm vasī2Vasī là pháp thuần thục. trước mới nên quán tưởng chi của thiền định cho là sắc, là danh, rồi mới phân biệt là thông tuệ đề mục tiếp theo.
Hành giả sẽ phân biệt được thông tuệ thế nào? Thật vậy, hành giả đó phải xuất định trước rồi mới quán tưởng thấy sự sanh lên của hơi thở ra, hít vô từ thân và tâm như vầy:
Kāyañca cittañca paṭicca assāsapassāsāti. Tato assāsapassāse ca kāyañca rūpaṃ. Cittañca taṃ sampayutta dhamme ca arūpanti vavaṭṭhāpeti.
Hơi thở ra, hít vô tự nhiên, phát sanh lên được nhờ nương thân và tâm như vậy. Tiếp theo, hành giả phân biệt hơi thở ra, hít vô và thân, là sắc pháp, tâm và tâm sở phát sanh đồng thời với tâm là danh pháp, như vậy.
Cái chi là sắc, danh của hơi thở ra hít vô?
Cittajavāyo: loại hơi thở sanh tứ dục vương tâm (kāmāvacaracitta)3Dục vương tâm – Kāmāvacaracitta là tâm vướng mắc trong cõi dục. có sự biến chuyển chất lửa trong thân, cho phát lộ hơi thở ra hít vô gọi là sắc pháp. 44 dục vương tâm (trừ 10 dvipañca viññāṇacitta) dẫn loại gió phát sanh lên có sự biến chuyển chất lửa trong thân, cho tiết lộ cử chỉ hơi thở ra hít vô rõ rệt, gọi là danh pháp.
Khi hành giả xuất thiền rồi phân biệt hơi thở ra hít vô là sắc, danh được rồi, trong thời đó nên tiến hành thông tuệ đề mục (vipassanākammaṭṭhāna) cho có trí nhớ cẩn thận trong sắc thiền và có tri giác phân biệt theo, biết cho kịp sắc danh đã sanh lên rõ rệt đến tâm. Nên phân biệt để trong tâm rằng “biết ờ”, như vậy mới gọi là pháp thông tuệ của thân quán niệm xứ.
Lại nữa, nhà chú giải có thuyết rằng: hành giả đắc thiền, mong tiến hành phép thông tuệ đề mục, cần phải xuất thiền trước, rồi quan sát chi của thiền tâm cho thấy rõ là sắc, là danh, rồi mới nên tiến hành đề mục thông tuệ.
Cái chi là sắc, danh của chi thiền tâm?
Quả tim là nơi trú của chi thiền tâm gọi là sắc pháp. Chi của thiền tâm nương theo quả tim, gọi là danh pháp. Trong thời đó, hành giả phân biệt cho thấy rõ là sắc danh như vậy rồi, nên có trí nhớ và tri giác phân biệt theo, biết cho kịp sắc danh. Nên phân biệt để trong tâm rằng: “biết ờ” như vậy, gọi là pháp thông tuệ của thân quán niệm xứ.
Khi đã đắc như thế đó, cũng là duyên kiên cố đến tất cả 9 pháp thông tuệ, mới là nhân cho sanh đạo trực giác là ý nghĩa thứ 6 tiếp theo:
Ý nghĩa thứ 6: tận sát quan tâm (vivaṭṭanāmanasikāra) là thận trọng xem hơi thở ra hít vô là sắc danh đó, chi của thiền tâm là sắc danh đó như đã giải trong ý nghĩa thứ 5 cho trở thành thông tuệ trực giác có mãnh lực mới là nguyên nhân cho thông tuệ thiền tâm lên nắm đạo tâm đạt đến đạo trực giác làm trách nhiệm tận sát lậu tận phiền não.
Ý nghĩa thứ 7: tinh khiết quan tâm (pārisuddhimanasikāra) là trực giác sanh bao hàm thánh quả hưởng sự an lạc trong Niết–bàn mà đạo trực giác đã làm tròn nhiệm vụ rồi.
Ý nghĩa thứ 8: hồi quan quang tâm (tesācapaṭipassanā) tức là trở lại quán tưởng đạo, quả, Niết–bàn mà mình đã đắc và phiền não đã dứt cùng phiền não còn lại chưa trừ được.
Số tức quan đề mục mà nhà chú giải đã diễn tả đây là số tức quan phần của thân quán niệm xứ đề mục. Số tức quan phần của thân quán niệm xứ đề mục toàn là pháp thông tuệ đang thường dùng và thực hành. Còn tiếp theo nữa: thở ra, bụng xẹp xuống, trong thời đó phải lấy trí nhớ và tri giác phân biệt theo, biết cho kịp trong thời bụng xẹp xuống, nên phân biệt trong tâm rằng: “xẹp xuống ờ”, như vậy. Hít vô, bụng phồng lên, trong thời đó phải lấy trí nhớ và tri giác phân biệt theo, biết cho kịp trong thời bụng phồng lên, nên phân biệt trong tâm rằng: “phồng lên ờ”, như vậy.
Cái chi là sắc danh trong thời bụng xẹp xuống và phồng lên?
Cittajavāyo tức là loại gió phát sanh tứ dục vương tâm (kamāvacaracitta) chuyển động chất lửa trong thân thể, cho sanh hơi thở ra hít vô, biểu lộ sự hoạt động rõ rệt (bụng xẹp xuống và phồng lên) gọi là sắc pháp. Dục vương tâm làm cho sanh loại gió rung chuyển chất lửa trong thân, cho sanh hơi thở ra hít vô, tiết lộ rõ rệt sự hoạt động (bụng xẹp xuống và phồng lên) gọi là danh pháp. Trong thời đó, hành giả cần phải có trí nhớ và tri giác phân biệt theo, biết cho kịp sắc, danh của trạng thái bụng xẹp xuống và phồng lên đó, gọi là pháp thông tuệ của thân quán niệm xứ đề mục.
Trí nhớ phân biệt hơi thở ra hít vô, là sắc danh đó, là khổ đế (dukkha sacca). Ái dục cũ trong tiền kiếp là nhân của khổ đế, đó là tập đế (samudaya sacca). Sự dập tắt khổ đế và tập đế là diệt đế (nirodha sacca).
Bát Thánh đạo phân biệt biết khổ đế, dứt bỏ tập đế, có Niết–bàn là đề mục, là đạo đế (maggassacca).
‒ Dứt số tức quan phần ‒
- 1Là triệu chứng từ uggahanimitta mà sanh (xem pháp chánh định, trang 36).
- 2Vasī là pháp thuần thục.
- 3Dục vương tâm – Kāmāvacaracitta là tâm vướng mắc trong cõi dục.