Phật Giáo Nguyên Thuỷ
Theravāda
—–
Thanh Tịnh Kinh
Visūddhikathā
Soạn giả
Trưởng Lão Hộ Tông
Vaṅsarakkhita Mahāthera
Hành giả tu pháp minh sát, khi đã quan sát dò xét thấy rõ nhân duyên của danh và sắc, đã thoát khỏi được trong sạch sự hoài nghi rồi, nên niệm pháp minh sát, nghĩa là biết phân biệt danh sắc luôn cả nhân duyên của danh sắc thêm nữa cho thấy rõ rằng: danh sắc nào đã sanh trong đời quá khứ, danh sắc ấy cũng diệt trong đời quá khứ; danh sắc nào sẽ sanh ra trong đời vị lai, danh sắc ấy cũng sẽ diệt trong đời vị lai; danh sắc nào đang sanh ra trong đời hiện tại, danh sắc ấy cũng thường hư hủy, tiêu tan trong đời hiện tại. Danh sắc nào dầu bên trong hoặc bên ngoài thô thiển hoặc vi tế, hèn hạ hoặc cao sang, xa hoặc gần, tất cả danh sắc ấy cũng phải đều phải chịu sự tan rã, chia lìa theo chi phần của nó, cho nên danh sắc ấy mới gọi theo chơn lý, là ‘cái không chắc thật’. Danh sắc sanh ra rõ rệt trong thế gian hằng biến đổi tiêu hủy một cách rõ rệt trong thế gian, không sao tránh khỏi trạng thái đầu tiên được, nghĩa là: danh sắc nào vô thường, danh sắc ấy là khổ não; danh sắc nào khổ não, danh sắc ấy vô ngã; danh sắc nào vô ngã, danh sắc ấy chẳng phải là của ta, chẳng phải là ta, chẳng phải là sắc thân của ta đâu.
Khi hành giả tu pháp minh sát, dùng danh sắc là năm uẩn, lục nhập, tứ đại để quan sát theo 3 hướng, thấy rõ luôn luôn theo 3 pháp minh sát niệm rằng: vô thường, khổ não, vô ngã, thì dứt khỏi được ba tà tưởng là: sanh mạng thường tưởng (santatisaññā) là tưởng rằng sanh mạng được thường tồn lâu dài; oai nghi tưởng (iriyapāthasaññā) là tưởng rằng hành đều đủ 4 oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, được dễ dàng; kiên cố tưởng (ghanasaññā) là tưởng rằng có sự chắc chắn lâu dài hẳn thật, như tảng đá liền lạc. Còn 3 tướng như vô thường tướng thì thường hay mù mù, mịt mịt, không rõ rệt chắc thật đến hành giả, vì 3 tà tưởng ấy hằng đè nén che đậy như mây che phủ mặt nhật. Đến khi hành giả thấy rõ 3 pháp minh sát niệm rồi mới có thể đoạn trừ 3 tà tưởng ấy được.
Ba pháp minh sát niệm là: minh sát vô thường niệm (aniccānupassanā) là nhớ nghĩ xét luôn luôn là không thường (để diệt sanh mạng thường tưởng) (santatisaññā); minh sát khổ não niệm (dukkhānupassanā) là nhớ nghĩ xét thấy luôn luôn là khổ não (để diệt oai nghi tưởng) (iriyāpathasaññā); minh sát vô ngã niệm (anattānupassanā) là nhớ nghĩ xét thấy luôn luôn là vô ngã (để diệt kiên cố tưởng) (ghanasaññā).
Khi hành giả đã nghĩ xét theo ba pháp minh sát niệm để dứt trừ 3 tà tưởng được rồi nên dùng niên cấp và thế kỷ 10 niên cấp để niệm tưởng theo ba tướng, phân biệt, quán tưởng, danh sắc luôn đến sự tiêu hủy và tiến hóa của danh sắc thêm nữa.
Ba niên cấp là: niên cấp thứ nhất: kể tuổi từ lúc mới sanh đến 33 tuổi ; niên cấp thứ nhì: kể từ 34 tuổi đến 66 tuổi; niên cấp thứ ba: kể từ 67 tuổi đến 100 tuổi. Hành giả nên quán tưởng danh sắc tồn tại trong ba niên cấp cho thấy rằng: danh sắc tồn tại trong niên cấp thứ nhất, có khi cũng phải diệt trong niên cấp thứ nhất; danh sắc tồn tại trong niên cấp thứ nhì có khi cũng phải diệt trong niên cấp thứ nhì; danh sắc tồn tại trong niên cấp thứ ba, có khi cũng diệt trong niên cấp thứ ba. Một trong ba niên cấp ấy đều là nơi đồn trú của vô thường, khổ não và vô ngã cả.
Thế kỷ ấy thường hay lìa bỏ danh sắc, hằng ngày, hằng đêm theo lẽ thường: trẻ con trong 10 tuổi đầu, còn nhỏ, từ khi mới ra khỏi lòng mẹ đến khi biết đi, đứng, chạy, chơi (mandadasaka); được thêm 10 tuổi nữa, khi đến xuân kỳ, đang lúc ham vui theo cuộc đời thế sự (khiḍḍādasaka); được thêm 10 tuổi nữa, khi được trưởng thành, trai gái, nhan sắc, tươi tốt, đều đủ (vaṇṇadasaka); được thêm 10 tuổi nữa, khi thân thể tráng kiện sức lực đều đủ (baladasaka); được thêm 10 tuổi nữa, khi có trí tuệ biết phân biệt phải, quấy, phước, tội (paññādasaka); được thêm 10 tuổi nữa, trong khi thân thể già cả tiều tụy hao mòn (hānidasaka); được thêm 10 tuổi nữa, trong khi thân thể yếu đuối rung động cả mình (pabbharadasaka); được thêm 10 tuổi nữa, trong khi thân thể già cõi, lưng còm, má thóp, mắt lờ, tai lảng (vaṅkadasaka); được thêm 10 tuổi nữa, trong khi tinh thần thường hay lẫn lộn (momūhadasaka); được thêm 10 tuổi nữa, trong khi thân thể nặng nề, tay chân rũ liệt (sayanadasaka).
Trong 10 niên cấp, 10 tuổi ấy, nói về những người sống đến 100 năm mà hành giả nên dùng để niệm tưởng theo 3 tướng (vô thường, khổ não, vô ngã) cho thấy là nơi đồn trú của sự khổ não, lo sợ cho tâm cảm xúc, vì lẽ lìa tan của các danh sắc. Lại nữa, danh sắc hằng tiêu hủy, do nhiều nghịch cảnh; tiêu hủy vì nóng, lạnh, đói, khát … hoặc khi gặp thời kỳ tận kiếp mà phải mạng chung.
Tận kiếp do ba lẽ: danh sắc của nhân loại và súc sanh tiêu hủy vì đói khát; tiêu hủy vì nhiều thứ bịnh, nhất là bịnh rét, thiên thời; tiêu hủy vì nạn đao thương trong khi có chiến tranh.
Hành giả khi tu pháp minh sát dùng trí tuệ quan sát thấy danh sắc rõ rệt như thế là nguyên nhân làm cho dứt lòng quyến luyến trong danh sắc. Hành giả không khắn khít với danh sắc, tâm được bạo dạn trong sự lìa bỏ danh sắc, được điều hòa; qui nhất, do trí tuệ chăm chú trong 3 tướng (vô thường, khổ não, vô ngã) tu pháp minh sát đều đủ đến bậc này, hành giả hằng bị minh sát tùy phiền não nhập vào, ô nhiễm làm cho lầm lạc theo tùy phiền não ấy.
Minh sát tùy phiền não có 10 thứ: hào quang phát sanh, tia sáng chung quanh thân thể, vì năng lực của pháp minh sát (obhāso); trí tuệ sáng suốt thấy danh sắc rõ rệt phát sanh đúng đắn (ñāṇaṃ); sự no đủ làm cho thân thể thơ thới đều đủ khắp cả châu thân (pīti); sự an tỉnh của thân và tâm không còn quyến luyến theo ngoại cảnh (passaddhi); sự an vui thân tâm trong một cảnh giới quý trọng (sukhaṃ); sự quyết tâm của tâm vương và tâm sở1Tâm vương có năng lực hành động vì tự mình phát sanh ra như ông vua có quyền tự chủ. Tâm sở là pháp do tâm vương mà phát sanh. (adhimokkho); sự tinh tấn không thái quá, hằng phấn khởi tâm lành trong cảnh giới (paggāho); có trí nhớ chắc chắn trong sự gìn giữ cảnh giới được rõ rệt trong trung tâm pháp minh sát (upaṭṭhānaṃ); có xả tâm mạnh mẽ trong tất cả danh sắc (upekkhā); sự vui thích cực kỳ, tinh vi trong trung tâm pháp minh sát cũng phát sanh lên (nikanti).
Cả 10 pháp minh sát tùy phiền não là điều bất tịnh thật của pháp minh sát, vì rằng khi tùy phiền não ấy đã phát sanh thì hằng làm cho hành giả lầm lạc, mê muội tưởng rằng: ấy là đạo quả đã phát sanh đến ta, ta đã đạt đến đạo quả cuối cùng của các đức cao thượng, rồi an nghỉ, không tiến hành pháp minh sát nữa. Đó là nguyên nhân mở rộng đường cho ái dục, ngã mạn, tà kiến thêm sức mạnh, trở lại chấp rằng: “Đây là của ta, đây là thân hình của ta”. Cho nên cả 10 pháp tùy phiền não ấy mới gọi là ‘điều bất tịnh của pháp minh sát’.
Hành giả muốn tiến hành trong sự niệm pháp minh sát chơn chánh, khi có một trong 10 tùy phiền não phát sanh cũng không vui thích, không mê muội, lầm lạc trong tùy phiền não đã sanh, không bỏ qua sự tiến hành của mình, vì biết rõ rằng: các tùy phiền não ấy chẳng phải là pháp minh sát, chẳng phải là đạo quả, chỉ là món quả báo của pháp minh sát thôi.
Hành giả suy nghĩ rằng: ta cần phải phấn khởi, cái tâm tinh tấn hành pháp minh sát cho thêm tăng tiến, hiểu theo trí tuệ rằng: đây là đạo quả, đây là minh sát tùy phiền não, chẳng phải đạo quả. Trí tuệ có thắng lực của hành giả mà tùy phiền não không nhiễu loạn được, hoặc trí tuệ không sai lầm theo tùy phiền não là trí tuệ chơn chánh, gọi là ‘Pháp thanh tịnh vì trí tuệ thấy rõ: là đạo hay không phải đạo’ (maggañāṇadassanavisuddhi) thuộc về pháp thiền minh sát thứ 5.
Ghi chú:
- 1Tâm vương có năng lực hành động vì tự mình phát sanh ra như ông vua có quyền tự chủ. Tâm sở là pháp do tâm vương mà phát sanh.