WikiDhamma

Thư Viện Nghiên Cứu Phật Giáo


Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, 
Bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa

Giải về Pháp thanh tịnh – Visuddhikathā

Phật Giáo Nguyên Thuỷ
Theravāda

—–
Thanh Tịnh Kinh

Visūddhikathā

Soạn giả
Trưởng Lão Hộ Tông
Vaṅsarakkhita Mahāthera

Tất cả nhân loại trong thế gian, cho dù là hạng người nào, ai cũng đều mong tìm sự yên vui, chẳng có ai bỏ vui mà tìm khổ.

Những người hằng ngày lo chuyên cần làm các nghiệp nghệ, chỉ trông được sự vui sướng lâu dài, trăm mưu ngàn kế, cũng chỉ vì nhu cầu hạnh phúc. Nghiệp nghệ có nhiều thứ: nghề khó, nghề dễ, nghề nặng, nghề nhẹ, nghề nhiều hoặc nghề ít, theo thông thường của người trong mỗi xứ, nghề nghiệp sanh nhai đại khái chỉ theo đường thủy và đường bộ. Nghề nghiệp tuy nhiều, nhưng nói tóm lại chỉ có hai là nghề lành và nghề dữ. Nghề lành (anāvajjakamma) nhất là lánh xa năm điều ngăn. Nghề dữ (sāvajjakamma) nhất là phạm ngũ giới cấm.

Người đời chỉ làm một trong hai nghề ấy. Trong hạng người làm nghề dữ, có kẻ biết rằng mình làm nghề dữ, nhưng vì sự nuôi sanh mạng hoặc cùng đường, nên vẫn làm càng. Có người vì tối tăm, ngu dốt, không rõ nghề ấy là tội hoặc vì thói quen, không ai chỉ bảo, nên phải lầm lạc làm theo ý mình, không lòng ghê gớm. Những nghiệp dữ hằng đem đến cho người các điều khổ não, lo sợ, buồn rầu và than tiếc. Việc chẳng lành, nhất là sát sanh mà người đã phạm rồi thì quả khổ sẽ vấn vít theo người như bóng tùy hình.

Lại nữa, tạo nghiệp dữ, thì người sẽ mang quả khổ, phải chịu nhiều điều đau thương khóc hại không sai, hoặc khi giữa đám đông người hằng có sự lo sợ ái ngại, như các con bò có ghẻ trên lưng, hằng lo sợ quạ, ruồi bay theo mổ hút.

Nghiệp dữ là nhân sanh điều lo sợ khổ não. Còn nghề lành là nhân sanh sự hạnh phúc yên vui, làm cho thân tâm được mát mẻ, thơ thới, cho nên chư thiện tín, mỗi khi làm việc gì, cần phải dè dặt, xem xét cho chu đáo. Nghiệp nào nên làm sẽ làm, chẳng nên quên, vì nghề nghiệp là nguyên nhân đem đến sự lành, điều dữ cho mình.

Sự lành mà mình nên mong cầu ấy có nhiều thứ: chúng sanh mà được tái sanh làm người gọi là được vui sướng hơn loài cầm thú. Nhưng thông thường phàm nhơn khi được vui thì hằng luyến ái quên mất tánh chơn, đến nỗi sai lầm, làm những việc tội lỗi bạo tàn, nên chi phải chịu nhiều điều thống khổ. Vui trong ngũ dục là vui vô thường, gọi là vui tương đối, hằng đi cặp với khổ, khi vui, khi khổ, chẳng phải cái vui bền bỉ, dầu là vui trên cõi trời, thọ hưởng nhiều điều lạc thú tự nhiên, như là sống lâu, sắc đẹp, sang cả thì cũng gọi là vui vô thường, vì cũng còn phải thọ sanh nhiều đời, nhiều kiếp, mặc dầu sự vui ấy là được lâu dài, cao thượng hơn ở thế gian.

Nói tóm lại, sự vui có ở trong cõi người, cõi trời và vui trong Niết-bàn. Vui trong hai cõi trước gọi là vui vô thường, vui trong vòng khổ não, vui theo hoàn cảnh, nhất là vui theo sắc tướng mà thánh nhơn thường hay ghê gớm; vui trong cõi Niết-bàn là vui tuyệt đối, vui không lẫn lộn với khổ, là vui độc nhất, vui ngoài vòng khổ não, vui yên lặng, xa lìa cảnh giới, chẳng còn một mảy may chướng ngại.

Khi chưa chứng quả Phật, còn mắc trong vòng sanh tử, luân hồi đã nhiều kiếp, đức Bồ-tát đã từng gặp biết bao điều vui sướng, nhưng sự vui ấy thường hay lẫn lộn với sự khổ. Ngài hằng suy xét đem so sánh với các cõi trong mỗi kiếp, chẳng thấy nơi nào có vui mà không khổ như vui trong Niết-bàn. Cho nên, ngài năng chuyên cần lo tu bổ pháp thập độ đã nhiều kiếp để lánh khỏi sự vui tương đối với khổ, hầu thọ hưởng cái vui vô cùng vô tận.

Con đường tiếp dẫn chúng sanh đến cõi yên vui tuyệt đối là Niết-bàn ấy gọi là con đường thanh tịnh cả thân, khẩu, ý mà được thành tựu là nhờ có trí tuệ sáng suốt. Những người không trau dồi thân, khẩu, ý không sao đi đến nơi dứt khổ là Niết-bàn được. Cho nên, hành giả khi thấy tội lỗi trong ngũ dục, thấy phước báu trong sự dứt bỏ ngũ dục, mong ra khỏi tam giới, thoát khỏi nạn luân hồi, thì cần phải hết lòng tinh tấn trong nghiệp lành. Thân, khẩu, ý được trong sạch đều đủ, trí tuệ được hoàn toàn sáng suốt, mới có thể thấy rõ Niết-bàn.

Thiện pháp là con đường, mà các bậc trí tuệ, nhất là đức Phật đã hành trình rồi, có nhiều chi không sao kể xiết. Đây chỉ giải vắn tắt về pháp ‘Thanh Tịnh’ theo thứ tự từ thấp chí cao đến Niết-bàn, để làm kim chỉ nam cho hàng Phật tử học tập và thực hành theo.

Tiếng ‘thanh tịnh’ nghĩa là trong sạch hoặc chơn chánh. Những nhà đạo sĩ xưa kia tưởng rằng: Pháp trong sạch ở chỗ tu khổ hạnh, như ngâm mình trong nước mùa đông, mỗi ngày ba lần để dứt trừ phiền não và làm cho mình trở nên thanh bạch. Sự tu hành theo đạo sĩ như thế chẳng phải là phương pháp chơn chánh, ấy là điều làm cho thân tâm mỏi mệt vô ích thôi.

Tiếng ‘thanh tịnh’ (suddhi) trong chỗ này nói về cách hành vi chơn chánh, là phép làm cho thanh tịnh thân, khẩu, ý, cho đến khi thành công đắc quả Niết-bàn, như thế mới gọi là ‘thanh tịnh’.

Bảy pháp thanh tịnh

Thanh tịnh vì sự trì giới (sīlavisuddhi).

Thanh tịnh vì sự sửa trị tâm (cittavisuddhi). (Hai pháp thanh tịnh này, thuộc về căn pháp để tu pháp minh sát).

Thanh tịnh vì sự hiểu thấy chơn chánh (diṭṭhivisuddhi).

Thanh tịnh vì sự dứt khỏi hoài nghi (kaṅkhāviṭaraṇavisuddhi).

Thanh tịnh vì trí tuệ thấy rõ là đạo hay chẳng phải đạo (maggāmaggañāṇadassanavisuddhi).

Thanh tịnh vì trí tuệ thấy rõ cách thức tiến hóa (trong 9 pháp minh sát tuệ) (paṭipadāñāṇadassanavisuddhi).

Thanh tịnh vì trí tuệ thấy rõ Thánh đạo (ñāṇadassanavisuddhi). (Năm pháp thanh tịnh này thuộc về cốt tủy của pháp minh sát).

Theo đây, sẽ giải lần lượt mỗi pháp thanh tịnh như sau này.