Phật Giáo Nguyên Thuỷ
Theravāda
—–
Thanh Tịnh Kinh
Visūddhikathā
Soạn giả
Trưởng Lão Hộ Tông
Vaṅsarakkhita Mahāthera
Hành giả khi đã tu pháp ‘chánh kiến trong sạch’ được tròn đủ rồi nên niệm pháp minh sát để tìm nhân duyên của danh sắc, là căn nguyên phát sanh sự khổ, ví như các bậc danh y, thiện nghệ trong sự khám bịnh, khi đã thấy rõ chứng bịnh, nên tìm xét chỗ khởi duyên sanh ra bịnh thế nào, hành giả tinh tấn tu pháp minh sát, khi đã thấy rõ danh sắc rồi, nên tìm kiếm nhân và duyên của danh sắc thêm nữa, cũng như thế ấy.
Lại nữa, những người nam nữ sẵn lòng tế độ, khi thấy trẻ con nằm ngửa bên đường, bèn lo tìm kiếm cha mẹ của đứa trẻ ấy và tự nói rằng: Đứa trẻ này là con nhà ai? Điều này ví như hành giả quan sát tìm kiếm nhân duyên của danh sắc, khi thấy rõ nhân và duyên của danh sắc được đều đủ rồi, thì hết sự hoài nghi (kaṅkhi) đối với danh sắc trong tam thế.
Nhân và duyên của danh sắc
Pháp về nhân duyên của danh sắc có mấy phần? Danh sắc nương dựa với cái chi mới sanh ra đặng?
Pháp về nhân duyên của danh sắc có năm phần: vô minh (avijjā) là không có thể biết rõ pháp tứ diệu đế là điều thật; ái dục (tañhā) là ham muốn, khao khát mong mỏi trong cảnh giới ham muốn; cố chấp (upādāna) là tâm giữ chặt năm uẩn; nghiệp (kamma) là việc lành, việc dữ, là pháp dắt dẫn, lôi kéo chúng sanh luân hồi trong tam giới; thực phẩm (āhāra) có ý vị để định dưỡng thân thể.
Vô minh, ái dục, thủ, nghiệp, cả 4 pháp ấy là nhân của danh sắc, là pháp tạo tác, sanh ra đầu tiên. Thực phẩm là duyên của danh sắc, là pháp duy trì sức lực cho thêm tăng trưởng, cho huyết nhục càng sung túc.
Lại nữa, vô minh, ái dục, thủ, ba pháp ấy là nơi nương náu của sắc thân, như người mẹ là nơi gội nhờ của đứa trẻ; nghiệp là pháp sanh ra chúng sanh, ví như người cha của đứa trẻ. Thực phẩm là pháp giữ gìn, săn sóc như người vú bảo dưỡng đứa trẻ. Danh sắc mà sanh ra được nhờ nương theo năm pháp đã giải. Loài sanh vật mà có năm pháp ấy ẩn trú trong tâm đến đâu đều phải chịu sanh, già, bịnh, chết trong thế gian đến đó.
Lại nữa, thực phẩm là duyên của sắc pháp, vì tứ đại là đất, nước, gió, lửa, hằng tiến hóa thành hình được, cũng đều nhờ thực phẩm.
Sự tiếp xúc là duyên của danh pháp: thọ, tưởng, hành. Danh pháp này nhờ tiếp xúc mới sanh ra được, danh và sắc làm duyên cho danh pháp ‘thức’. Còn pháp về nhân và duyên của danh sắc ấy, bậc trí tuệ nên hiểu rõ như vầy: vô minh, ái dục, thủ, nghiệp, thực phẩm là nhân duyên của sắc pháp; vô minh, ái dục, thủ, nghiệp, tiếp xúc là nhân duyên của danh pháp (thọ, tưởng, hành); vô minh, ái dục, thủ, nghiệp, danh sắc, là nhân, là duyên của danh pháp ‘thức’.
Người có trí tuệ, nếu biết phân biệt thấy rõ nhân duyên là căn sanh của danh sắc, như thế thì được dứt khỏi cả 16 điều hoài nghi trong tam thế.
Hoài nghi trong đời quá khứ có năm điều là: ta đã quen sanh ra chăng? (ahosiṃ nukho); ta không quen sanh ra chăng? (na nukho ahosiṃ); ta đã sanh ra làm cái chi? (kinnukho ahosiṃ); ta đã sanh ra do cách nào? (kathaṃ nukho ahosiṃ); ta đã sanh ra làm cái chi, rồi sanh ra làm cái chi nữa? (kiṃ hutvā kiṃ ahosiṃ)
Hoài nghi trong đời vị lai có năm điều là: ta sẽ sanh ra làm cái chi nữa? (kavissāmi nukho); ta sẽ không sanh ra nữa chăng? (na nukho kavissāmi); ta sẽ sanh ra làm cái chi1Sanh ra làm sa môn, bà-la-môn, vua,….? (kinnukho kavissāmi); ta sẽ sanh ra do cách nào? (kathaṃ nukho kavissāmi); ta sẽ sanh ra làm cái chi, rồi sẽ sanh ra làm cái chi nữa? (kiṃ hutvā kiṃ kavissāmi).
Hoài nghi trong đời hiện tại có sáu điều là: ta có sanh ra chăng? (ahaṃ nukho smi); ta không có sanh ra chăng? (no nukho smi); ta có sanh ra như thế nào? (kinnukho smi); ta có sanh ra do cách nào? (kathaṃ nukho smi); chúng sanh này ở đâu lại? (ayaṃ nukho satto kuto āgato); chúng sanh ấy sẽ đi nơi nào nữa? (so kuhiṃ gāmi kavissati).
Khi hành giả đã quan sát thấy rõ nhân duyên của danh sắc như vậy rồi, mới có thể dứt 16 điều hoài nghi ấy được, chẳng còn ngờ vực đối với danh và sắc trong phần quá khứ, vị lai và hiện tại. Trí tuệ của hành giả tu pháp minh sát được mạnh mẽ, quan sát thấy nhân và duyên của danh sắc và dứt khỏi 16 điều hoài nghi trong 3 thời như thế gọi là ‘Pháp thanh tịnh vì dứt khỏi sự hoài nghi’.
Ghi chú:
- 1Sanh ra làm sa môn, bà-la-môn, vua,….