WikiDhamma

Thư Viện Nghiên Cứu Phật Giáo


Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, 
Bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa

Pháp trích lục

Vi Diệu Pháp Vấn Đáp
Prasnā Abhidhamma

Tỳ khưu Hộ Tông
Bhikkhu Vansarakkhetta

1. Giải về các pháp nên ghi nhớ

Trong bộ kinh Cullapaññāsaka khandhasaṅyutta saṅyuttani kāya khandhavāravagga (Tam tạng quyển 17 chương 203) có giải rằng:

Một thuở nọ đức Sāriputta (Xá Lợi Phất) và Mahākoṭṭhita ngụ nơi vườn Lộc Giả (Isīpatanamigadāyavana) gần kinh đô Bārānāsī. Trong giờ mát mẽ, đức Koṭṭhita ra khỏi nơi thanh vắng rồi đến hỏi đức Sāriputta rằng: Bạch Ngài Sāriputta! Tỳ khưu có giới trong sạch, nên niệm tưởng pháp nào, nghĩa là nên hành pháp nào mới gọi là chơn chánh?

Đức Xá Lợi Phất đáp: Thầy tỳ khưu có giới trong sạch nên quán tưởng ngũ uẩn theo chơn lý rằng: là vô thường, là khổ não, là bịnh tật, là mụt nhọt, là cây tên, là nguồn cội sự khổ, là cái hãm hại, là cái riêng khác, là cái biến đổi, là cái rỗng không, là vô ngã; vì khi đã hành được như thế thì làm cho rõ cái quả Tu-đà-huờn (sotāpatthiphala).

Bạch ngài Xá Lợi Phất! Thầy tỳ khưu bậc Tu-đà-huờn nên hành pháp nào để trong tâm? Này thầy Koṭṭhita, thầy tỳ khưu bậc Tu-đà-huờn cũng nên hành ngũ uẩn đó, để vào tâm, theo chơn lý rằng: là cái vô thường, khổ não, vô ngã; vì khi đã hành được như thế đó, gọi là làm cho rõ rệt Tư-đà-hàm quả (sakadāmiphala).

Bạch ngài Xá Lợi Phất! Thầy tỳ khưu bậc Tư-đà-hàm phải hành pháp nào để trong tâm, theo chơn lý? Này thầy Koṭṭhita! Thầy tỳ khưu bậc Tư-đà-hàm cũng nên hành ngũ uẩn đó, để trong tâm theo chơn lý rằng: là vô thường, khổ não, vô ngã… vì khi đã được hành như thế đó, thì sẽ đắt A-na-hàm quả (anagāmiphala).

Bạch Ngái Xá Lợi Phất! Thầy tỳ khưu bậc A-na-hàm phải hành pháp nào, để trong tâm, theo chơn lý? Này thầy Koṭṭhita! Dầu tỳ khưu là bậc A-na-hàm cũng nên hành ngũ uẩn đó, để trong tâm, theo chơn lý, rằng: là vô thường, khổ não, vô ngã; vì khi đã được hành như thế đó, thì sẽ đắc A-la-hán quả (arahattaphala).

Bạch Ngài Xá Lợi Phất! Thầy tỳ khưu bậc A-la-hán nên hành pháp nào, để trong tâm, theo chơn lý? Này thầy Koṭṭhita! Dầu là bậc A-la-hán cũng nên hành ngũ uẩn, để trong tâm, theo chơn lý, rằng: là vô thường, khổ não vô ngã, nhưng các pháp mà hành giả phải hành cho thanh cao hơn nữa hoặc sự thu thập những pháp đã đắc rồi, chẳng có đến bậc A-la-hán (arahanta), song các pháp đó bậc A-la-hán đã luyện tập, làm cho tăng trưởng rồi, thường đem đến sự yên vui, trong đời hiện tại, cho phát sanh trí nhớ và sự phân biệt (satisaṃpajañña).

Xin chư độc giả hãy ghi nhớ rằng: lời vấn và lời đáp của hai vị đại đức đây thuộc về pháp minh sát, xác thật (vipassanā) là pháp hành chơn chánh, tức là chơn lý; Pháp mà hành giả ghi để vào tâm là phải ghi nhớ trong tâm rằng ngũ uẩn là vô thường, là khổ não, là bịnh tật, là mụt nhọt, là cây tên, là nguồn cội của sự khổ, là cái làm cho khó chịu, là cái biến đổi, là cái tan rã, là cái rỗng không, không phải là ta, như thế đó. Khi đã hành thường thường như vậy, là làm cho kết quả Niết-bàn trong kiếp hiện tại này. Nhưng nên hiểu rằng: sự ghi nhớ trong tâm, là sự tụ hợp để vào trong tâm với tiếng “Sự suy tính, sự nhớ nghĩ” đó khác nhau, nghĩa là sự suy tính, sự nhớ nghĩ đó hằng có từng hồi, từng lúc, về phần hành để trong tâm, là sự tụ hợp để vào trong tâm mãi mãi, không gián đoạn.

2. Tam tướng (trīlakkhana)

Giải về 10 tướng vô thường (aniccalakkhana)

Aniccam palokaṃ caraṃ pabhaṅgū addhuvaṃ viparināmadhammaṃ asāraṃ vibhavaṃ saṅkhataṃ maraṇadhammaṃ.

Aniccaṃ dịch là không thường, palokaṃ: tan rã, caraṃ: dịch là rung động, pabhaṅgū: tiêu diệt, addhuvaṃ: không bền, viparināmadhammaṃ: thay đổi tự nhiên, asāraṃ: mềm yếu, vibhavaṃ: hư hoại, saṅkhataṃ: hữu vi, maraṇadhammaṃ: có sự chết là lẽ thường.

1) Aniccaṃ dịch là không thường, ám chỉ rằng: có phía đầu và phía cuối không rõ rệt, là nói về sự sanh và sự diệt, sanh thuộc về đầu, diệt thuộc về cuối. Giải rằng: tất cả sự vật, khi đã sanh lên rồi, hằng không thường trú, như lúc đầu, sau rồi, tan rã và tiêu diệt.

2) Tiếng palokaṃ dịch là tan rã là bấy ra và rã rời, vì: bịnh, già, chết nghĩa là tất cả sự vật đều bị tan rã do sự : bịnh, lão, tử.

3) Tiếng caraṃ dịch là rung động, là rung động vì bịnh, già, chết, rung động do tám pháp thế gian (đắc lợi, thất lợi, được quyền, mất quyền, gặp vui, chịu khổ, được khen, bị chê). Giải rằng: tất cả chúng sanh thường rung động vì sự bịnh, già, chết, và lợi, quyền, vui, khen, thất lợi, mất quyền, chịu khổ, bị chê; chỉ trừ các bậc thánh nhơn mới không có tâm rung động, đối với các pháp ấy. Về lão, bịnh, tử, thân hình của các bậc thánh nhơn cũng rung động giống nhau, chỉ khác ở chỗ tâm của các ngài không rung động đó.

4) Tiếng pabhaṅgū dịch là tiêu diệt, tan mất theo lệ thường, vì sự cố gắng và do trạng thái của người, mình. Giải rằng: tất cả sự vật hằng tan mất, do sự cố gắng hoặc tiêu diệt theo trạng thái của sự vật thường lệ.

5) Tiếng addhuvaṃ dịch là không bền, phải rơi ngã trong các nơi và không có sự vững chắc. Giải rằng: tất cả sự vật thường rơi trong các nơi và không có sự lâu dài, giống nhau.

6) Tiếng viparināmadhammaṃ dịch là thay đổi tự nhiên, là thay đổi vì sự già và sự chết. Giải rằng: tất cả sự vật hằng biến đổi do ba nhân là già, bịnh và chết, như chúng ta thay đổi, nhỏ thành lớn, lớn trở nên già, già thành còm, như thế đó, cũng chẳng ngoài thế lực già và chết. Nếu nói một cách vi tế, thì sự thay đổi đó dính theo từ khi vào thọ sanh, nghĩa là già, chết trong mỗi hơi thở ra, vô, gọi là già kín, chết kín, vì già, chết như thế đó thường không rõ rệt đến mắt người, ví như lửa cháy tim đèn. Nói cách vi tế, lửa đó cháy luôn khi, tim và dầu hao đi từng tí, song không có ai điều tra được vì là cái rất vi tế, chỉ thấy được khi lửa đã tắt, không còn cháy nữa.

7) Tiếng asāraṃ dịch là mềm yếu, là cái không đứng vững. Giải rằng: tất cả sự vật ví như miếng dăm nhỏ không cứng, dễ bẽ gãy được.

8) Tiếng vibhavaṃ dịch là hư hoại, là không có sự tiến hoá cả và căn nguyên của sự hao mòn. Giải rằng: tất cả sự vật không có sự tiến hóa, chỉ phải tiêu hao là mòn mỏi tiên mất đi từng tí. Khi sự vật sanh lên rồi thì kể là căn bổn của sự tiêu hoại, nghĩa là chỉ có sự hao mòn, tan rã thôi, chẳng có sự tiến hóa mãi mãi, nhưng phần đông người thấy rằng trong khi sanh rồi dần dần trưởng thành, đó gọi là tăng trưởng, thực ra là điều tiêu hoại, chỉ có sự hao mòn thôi. Tiếng gọi là ấu niên, trung niên, lão niên đó, có nghĩ là sa sút, là suy đồi trong chặng đầu, chặng giữa và chặng cuối cùng, là nói về sự sa sút, qua khỏi bé thơ đến trai tráng, sa sút qua khỏi trai tráng đến già yếu rồi phải chết là nơi cuối cùng.

9) Tiếng saṅkhataṃ dịch là hữu vi, nghĩa là làm cho sanh lên, là nói về tất cả nhân duyên. Giải rằng: tất cả sự vật sanh lên, có lên, như thế này, như thế kia, khác nhau chỉ vì nhân duyên tạo tác, lập nên, khác nhau như thế đó.

10) Tiếng maranadhammaṃ dịch là có sự chết là lẽ thường, nghĩa là có sự diệt, sự mất, tự nhiên. Giải rằng: tất cả sự vật đã sanh lên rồi phải diệt, phải mất hẳn thực, chẳng có cái chi an trú trường cửu được. Về phần vật vô tri như đồng hồ, khi hết dây thiều, thì kim ngưng chạy, hoặc chưa hết dây thiều, song có sự chướng ngại thì kim cũng chạy không được, chúng ta gọi là đồng hồ ngưng hoặc đồng hồ chết.

Tất cả mười tình trạng đã giải, hợp chung lại thành một gọi là “vô thường tướng”, vì cả mười tình trạng đó là lợi khí, ám chỉ cho thấy tất cả sự vật đều là không thường thôi. Nhân đó xin tìm nhớ hiểu cả 10 tướng cho được, cho thấy là vô thường, khi niệm “vô thường”, cần phải tưởng nhớ đủ 10 tiếng đó, bằng phạn ngữ và nghĩa, nếu không chỉ thuộc nằm lòng nghĩa cũng được. Khi đã niệm cả 10 tiếng đó rồi, sẽ thấy rõ rệt nghĩa lý của 10 tiếng đó gọi là “hiểu theo lẽ vô thường” (aniccānupasanā) hoặc hiểu liên tiếp theo 10 tiếng ám chỉ là “không thường”.

Phương pháp quán tưởng ngũ uẩn là vô thường bằng cách tóm tắt

Phải quán tưởng rằng: sắc là cái vô thường, là cái tan rã, là cái tiêu diệt, là cái không bền, là cái thay đổi, là cái mềm yếu, là cái hư hoại, là cái hữu vi, là cái có sự chết tự nhiên, rồi dùng mỗi danh uẩn: thọ, tưởng, hành, thức để quán tưởng theo 10 tiếng đó. Khi niệm như thế gọi là quán tưởng ngũ uẩn theo “nền tảng vô thường”.

Khi quán tưởng thấy ngũ uẩn theo 10 tiếng đó rồi gọi là thấy hiểu theo 50 pháp vô thường (aniccānupassanā) là lấy 5 uẩn nhơn với 10 tiếng đó thành (5×10) = 50. Đó là phương pháp quán tưởng ngũ uẩn bằng cách tóm tắt, vừa cho hang Phật tử hành theo được dễ dàng. Tiếng “vô thường” đây cũng gọi là “vô thường tưởng” (aniccalakkhana).

Lợi khí che kín vô thường tướng

Khi quán tưởng cả ngũ uẩn theo 10 tiếng đã giải, cũng có thể thấy rõ ngũ uẩn thật là vô thường, hoặc không hiểu cũng có, là vì được trừ khử hoặc còn bị lợi khí che lấp. Lợi khí che kín đó là trong phẩm Thanh tịnh đạo (Visuddhimagga) có giải rằng: Aniccalakkhanaṃ tāva udayabbyānaṃ amanasikāra santatiyā paticchannattā na upatthāti, dịch là: Vô thường tướng không rõ rệt vì sự liên tiếp che kín, do nguyên nhân không chú tâm trong sự sanh, diệt. Giải rằng: sự liên tiếp là lợi khí che lấp vô thường, sự liên tiếp đó gọi theo phạn ngữ là santati, sự liên tiếp đó ám chỉ đến sự sanh dính liền nhau như tóc, lông cũ rụng, tóc, lông mới mọc liên tiếp nhau, làm cho xem không thấy rõ pháp vô thường, phân ra làm 10. Tiếng “không chú ý” đến sự sanh và diệt là không ghi nhớ đến ngũ uẩn. Tiếng “chú ý” đến sự sanh và diệt luôn luôn rằng: ngũ uẩn sanh và diệt liên tiếp. Khi thấy người và thú trong lúc nào, nên niệm tưởng rằng: người này, thú này, sanh, diệt liên tiếp, dừng thấy rằng: là người hoặc thú như thế đó.

Nếu khó nghĩ như vậy, thì nên niệm đến tóc, lông, móng, răng, da rằng: sanh và diệt mãi mãi, vì tóc và lông hằng mọc và rụng mãi mãi. Về phần móng khi ra dài thì phải cắt. Các bộ phận khác trong sắc thân cũng sanh và diệt giống tóc, lông, móng. Cả ba bộ phận đó, mắt chúng ta khó thấy được, cần phải thấy bằng trí tuệ từng ti.

·        25 cái tướng khổ

Cái khổ chỉ có một, song chia ra làm 25 loại cho hàng Phật tử hiểu rộng thêm và làm cho hành giả ưa thích quán tưởng: “Dukkhaṃ rogaṃgaṇdaṃ bhayaṃ upasaggaṃ atāṇaṃ aleṇaṃ asarānaṃ adinavaṃ aghamūlaṃ vadhakaṃ sāsavaṃ mārāmisaṃ jātidhammaṃ jarādhammaṃ byādhidhammaṃ sokadhammaṃ paridevadhammaṃ upāyāsadhammaṃ saṅkilesadhammaṃ”, tổng cộng thành 25. Xin hãy nhớ cho kỹ để làm qui tắc trong sự quán tưởng ngũ uẩn, hầu phá hoại si mê mới được.

Xin dịch và giải 25 tướng khổ theo mỗi loại cho có điều lợi ích đến hành giả.

1) Tiếng dukkhaṃ dịch là khó chịu được. Giải rằng: ngũ uẩn bị sự sanh diệt tàn ác, là trụ sở của cái khó chịu được.

2) Tiếng rogaṃ dịch là bịnh hoặc là lợi khí chích đâm. Giải rằng: ngũ uẩn cần phải chuyên chữa luôn khi trước hết, của tất cả thứ bịnh và điều kinh sợ.

3) Tiếng gandaṃ dịch là mụn nhọt. Giải rằng: ngũ uẩn: phải bị cây lao tức là sự khổ đâm chích luôn khi; có đồ dơ nhớp chảy ra thường thường; tan ra do sự sanh và sự già; là vật phòng lên rồi tan rã.

4) Tiếng sallaṃ dịch là mũi tên. Giải rằng: ngũ uẩn: phải bị chích đâm mãi mãi tức là khó rút được vật đâm chích đó ra.

5) Tiếng aghaṃ dịch là bất hạnh. Giải rằng: ngũ uẩn: phải bị phỉ báng luôn luôn; bị tiêu hoại mãi mãi; là sở trú của tất cả điều bất hạnh.

6) Tiếng abādhaṃ dịch là đau đớn tức là làm hại. Giải rằng: ngũ uẩn: không làm cho sanh sự tự do; không có sự an vui hoặc dễ dàng, theo lòng mong mỏi được; là nơi trú của các sự đau đớn.

7) Tiếng iti dịch là tai nạn. Giải rằng: ngũ uẩn: là cái không ở trong thế lực của ai; là cái không nghe lời ai.

8) Tiếng upaddavaṃ dịch là hư hỏng, rủi ro. Giải rằng: ngũ uẩn: là cái đem đến sự tiêu hoại, bất lợi; là nơi trú của upādava tức là cái không có lợi ích.

9) Tiếng bhayaṃ dịch là kinh khủng là cái đáng sợ. Giải rằng: ngũ uẩn: là cái giếng sanh điều đáng sợ đủ điều; là bọn nghịch của sự vui thích cực điểm, tức là sự thọ khổ.

10) Tiếng upasaggaṃ dịch là nguy hiểm. Giải rằng: ngũ uẩn: có điều bất lợi nguy hiểm; nguy hiểm do các điều tội lỗi; có sự nguy hiểm không hạn chế được.

11) Tiếng atānaṃ dịch là chống cự không được. Giải rằng: ngũ uẩn: chống cự các điều khổ không được; không có phương pháp để chống cự các cảnh khổ được.

12) Tiếng alenaṃ dịch là không có nơi kín đáo. Giải rằng: ngũ uẩn: không ngăn ngừa các sự khổ được; không có phận sự che lấp những điều khổ được.

13) Tiếng asarānaṃ dịch là không có nơi nương nhờ. Giải rằng: ngũ uẩn không có cái chi hộ trợ, trừ khử sự khổ sở được.

14) Tiếng adīnavaṃ dịch là tội lỗi. Giải rằng: ngũ uẩn: có sự khó khăn mãi mãi; có tội lỗi tức là khổ não luôn, như người cô độc.

15) Tiếng aghamūlaṃ dịch là nguồn gốc sự chật hẹp. Giải rằng: ngũ uẩn là nguyên nhân sự chật hẹp, là chật hẹp thân tâm.

16) Tiếng vadhakaṃ dịch là người sát hại. Giải rằng: ngũ uẩn là người sát hại sự vui.

17) Tiếng sāsavaṃ dịch là ngâm. Giải rằng: ngũ uẩn là lợi khí giam cầm. Bốn pháp ngâm là: giam cầm sự thương (kāmāsava); giam cầm sự tái sanh (bhavāsava); giam cầm trong sự si mê (avijjāsava); giam cầm trong tà kiến (diṭṭhāsava).

18) Tiếng mārāmisaṃ dịch là mồi của ma vương. Giải rằng: ngũ uẩn là mồi, là lợi khí nhử1Nhử: nhấp mồi. của tử ma và phiền não ma.

19) Tiếng jātidhammaṃ dịch là có sự sanh là lẽ thường. Giải rằng: ngũ uẩn hằng có sự sanh liên tiếp, trừ ra, cắt hẳn nguyên nhân của sự sanh được, mới không sanh tiếp tục nữa.

20) Tiếng jarādhammaṃ dịch là có sự già lẽ thường. Giải rằng: ngũ uẩn thường có sự già liên tiếp.

21) Tiếng byādhidhammaṃ dịch là có sự đau đớn là lệ thường. Giải rằng: ngũ uẩn thường có sự đau đớn mãi mãi.

22) Tiếng sokadhammaṃ dịch là có sự buồn rầu là lẽ thường. Giải rằng: ngũ uẩn thường có sự buồn rầu khô héo mãi mãi.

23) Tiếng paridevadhammaṃ dịch là có sự than khóc là lẽ thường. Giải rằng: ngũ uẩn thường có sự rên rĩ trong lúc có khổ là lẽ thường.

24) Tiếng upāyāsadhammaṃ dịch là có sự phiền muộn, khó chịu là lẽ thường. Giải rằng: ngũ uẩn hằng khó chịu vì sự khổ là lẽ thường.

25) Tiếng saṅkilesadhammaṃ dịch là có sự không trong sạch là lẽ thường. Giải rằng: ngũ uẩn hằng dơ bẩn vì ái dục, tà kiến, ác nghiệp.

Phương pháp quán tưởng ngũ uẩn rằng là khổ (tóm tắt)

Cần phải quán tưởng rằng: sắc, thọ, tưởng, hành, thức là toàn là khổ, là bịnh, là mụn nhọt, là mũi tên, là bất hạnh, là đau đớn, là tai nạn, là hư hỏng, là kinh khủng, là nguy hiểm, là chống cự không được, là không có nơi kín đáo, là không có nơi nương nhờ, là tội lỗi, là nguồn gốc của sự chật hẹp, là người sát hại, là ngâm, là mồi của Ma vương, có sự sanh là lẽ thường, có sự già là lẽ thường, có sự đau đớn là lẽ thường, có sự buồn rầu là lẽ thường, có sự than khóc là lẽ thường, có sự phiền muộn là lẽ thường, có sự không trong sạch là lẽ thường, như thế đó. Trong khi quán tưởng, cần phải thông rõ nghĩa lý tất cả 25 thứ khổ gọi là khổ não tướng, tức là là lợi khí ám chỉ cho thấy rõ cái khổ: ngũ uẩn là cái khổ não thái quá.

Lợi khí che kín khổ tướng

25 khổ tướng đó không rõ rệt đến mắt của mọi người, do hai nguyên nhân là: 1) không nhớ tưởng luôn luôn đến cái khổ tàn ác; 2) sự thay đổi oai nghi. Trong Thanh tịnh đạo (Visuddhimagga) chỗ diễn giải về udayabbyānupassananāna là nền tảng, rằng: dukkhalakkanaṃ abhinhasaṃ māpatipilanassa amanasikārā iriyāpāthehi paṭicchannattā na upatthāti. Nghĩa là: khổ tướng hằng không rõ rệt, vì bốn oai nghi che kín, do không lưu ý thường thường đến sự tàn ác, như vậy.

Sự không ghi nhớ thường thường đến điều tàn ác đó, là không niệm tưởng liên tiếp đến các nguyên nhân cái khổ, cho nên hiểu lầm rằng: ngũ uẩn là vui, làm cho say mê trong ngũ uẩn, khi có khổ phát sanh lên như sự bịnh tật hoặc sự chết xảy đến thì giãy giụa, tâm trí xốn xang, than van rên siết, không hay tìm xét cho biết rằng: ngũ uẩn là cái khổ, thường tìm cách chuyên trị luôn khi. Như sự đói khát cũng là sự khổ của ngũ uẩn. Song chúng ta thường chuyên chữa bằng thuốc, tức là thực phẩm; khi đã ăn uống rồi, nghỉ cho khỏe, gọi là vui. Hiếm người tìm hiểu rằng ngũ uẩn là khổ, vì cần phải tìm các làm cho tiêu hóa thực phẩm, không có giờ phút vui đâu, hoặc ăn uống thái quá cũng là một điều khổ của ngũ uẩn: khi đã dùng thực phẩm rồi, nếu thực phẩm không tiêu hóa thì làm cho ngũ uẩn khó chịu. Thật ra, chẳng có chi gọi là vui; dầu nói rằng: nếu không bịnh, được giàu sanh, có đồ trang sức, có đủ thực phẩm là nơi yên vui, có chỗ ở rộng rãi, có thuốc ngừa bịnh, cần dùng cái chi thường được như nguyện, thì cho rằng là vui, chấp như thế đó là món lợi khí che kín, không cho thấy rõ cái khổ tưởng được.

Tiếng nói oai nghi là lợi khí che lấp, là chỉ về sự thay đổi oai nghi: đứng, đi, ngồi, nằm hoặc sự an của thân thể. Chỗ nói oai nghi là lợi khí che kín cái khổ tướng đó, giải rằng: sự đứng cũng là một lợi khí che kín được, sự đi, ngồi, nằm cũng như nhau, nghĩa là theo lẽ thường, chúng ta hằng có sự đứng, đi, ngồi, nằm thay đổi liên tiếp, không phải đứng hoài, hoặc đi, ngồi, nằm luôn; nếu chỉ dùng một oai nghi thì tự biết mình mệt mỏi. Sự mệt mỏi đó là cái khổ của ngũ uẩn, nhưng khi đã thay đổi oai nghi được thường, thì tự biết mình là vui. Nhân đó, mới gọi rằng sự thay đổi oai nghi là lợi khí che kín cái khổi thướng. Nếu muốn rõ cái khổ tướng thì hãy dứng, hoặc đi, ngồi, nằm trong một oai nghi nào ắt sẽ thấy rõ sự mỏi mệt, khi đó mới tự biết cái khổ tướng rằng: ngũ uẩn là khổ thật, chẳng có sự vui đâu.

Năm vô ngã tướng (anāttalakkhana)

Tiếng vô ngã (anattā) hay là vô ngã tướng, có 5 là: paraṃ ritttaṃ tucchaṃ suññnaṃ anattā.

1) Tiếng paraṃ dịch là khác. Giải rằng: ngũ uẩn không ở trong quyền lực người nào, không tin nghe ai, thường sanh già, bịnh, chết theo lẽ tự nhiên của ngũ uẩn. Người có quyền lực nhiều đến đâu cũng khó ngăn cấm được, chẳng có thể dạy bảo cho ngũ uẩn tin nghe được.

2) Tiếng rittaṃ dịch là ít oi. Giải rằng: ngũ uẩn là cái có sự tốt đẹp và sự vui rất ít, không có sự tốt đẹp và vui lâu dài. Nếu quán tưởng được chu đáo thì sẽ thấy rằng không đẹp, không vui, chỉ có sự đáng nhờm gớm và là khổ não liên tiếp.

3) Tiếng tucchaṃ dịch là rỗng không. Giải rằng: ngũ uẩn không có sự đẹp cả bên trong và bên ngoài.

4) Tiếng suññaṃ dịch là trống, song không phải trống như hình tròn trông thấy rõ rệt. Dịch theo nguyên tự là “trống”. Giải rằng: ngũ uẩn không có tài chủ, không có người trú, không có người tạo, không có người hưởng, không có người vững chắc, không có người đi. Giải tiếng không có tài chủ ám chỉ rằng: không có ai là người chủ của ngũ uẩn. Tiếng không có người trú: ám chỉ rằng: trong ngũ uẩn chẳng có một cái chi trú vĩnh viễn, chỉ có cái hư hoại tiêu mòn thôi.

Tiếng “không có người tạo” là không có người, thú, trời, Đế Thích, Phạm thiên, một người nào tạo ra, hoặc biến ra.

Ngũ uẩn sanh lên theo nhân duyên của ngũ uẩn thôi. Tiếng “không có người hưởng” là không có một cái chi gọi rằng là người chịu vui, khổ, cả. Nói tắt: sắc là người chịu cũng không phải, hoặc thọ, tưởng, hành, thức là người chịu cũng không phải, chỉ là tình trạng ngũ uẩn thôi. Tiếng “không có người trú vững” là không có cái chi là: người, thú trú vững trong ngũ uẩn, chỉ phỏng đoán ngũ uẩn rằng là: người, thú thôi.

Tiếng “không có người đi” là không phải người hoặc thú trong ngũ uẩn đi, chỉ là tình trạng của ngũ uẩn thôi. Nhân đó mới gọi ngũ uẩn là trống hoặc cái không có chi.

Tiếng “vô ngã” (anattā) dịch là “không phải ta”. Giải rằng: ngũ uẩn không có ai là chủ hoặc là lớn, có thể dạy bảo ngũ uẩn được. Ngũ uẩn thường: sanh, già, bịnh, chết là lẽ thường. Chẳng có một ai có thế lực bắt buộc, dạy bảo, ngăn cấm, không cho ngũ uẩn sanh, già, bịnh, chết.

Phương pháp quán tưởng ngũ uẩn rằng là: vô ngã bằng cách tóm tắt.

Phải quán tưởng ngũ uẩn cho thấy là vô ngã bằng cách tóm tắt như vầy: Phải thuộc lòng cả năm tiếng đã giải, rồi niệm rằng: “trong ngũ uẩn, mỗi uẩn chỉ là cái riêng khác, là cái ít oi, là cái rỗng không, là cái trống, không phải là ta, như vậy.”

Hoặc chia ngũ uẩn ra, quán tưởng đủ theo mỗi ý nghĩa của năm tiếng đã giải được. Nếu hiểu thấy ngũ uẩn như năm tiếng đó giờ nào, giờ ấy gọi là hiểu thấy theo pháp vô ngã (anupassanā) nghĩa là dùng cả 5 tiếng đó nhơn với 5 uẩn thì thành 25 tròn đủ anattānupassanā.

Lợi khí che kín vô ngã tướng (anattālakkhana)

Chúng ta không thấy rõ vô ngã tướng, vì pháp kiên cố tưởng (ghanasaññā) do tưởng nghĩ rằng là “bộ phận” là sự hiểu biết rằng là: thú, người, ta, họ, đó là lợi khí ngăn trở. Hiểu như vậy vì không niệm riêng mỗi phần nguyên tố, cho đến khi thấy rõ tiếng gọi: thú, người đó. Sự thực là không phải vậy, chỉ là các nguyên tố thôi.

Theo như lời đã giải, có phạm ngữ trong thanh tịnh đạo (visuddhimagga) khoản nói về udayabbyānnāna, chứng minh rằng: anattālakkhaṇaṃ nānādhātuvinibhogassa amanasikārā ghanana paṭicchannattā na upatthāti, dịch là: vô ngã tưởng không rõ rệt, vì bộ phận che kín do nguyên nhân không niệm riêng các nguyên tố, như thế đó.

3. Phương pháp quán tưởng sắc theo chi tiết

Adānanikkhepanato vayovuddhatthagamito āhārato ca ututo kammalo cāpi cittato dhammattārūpato satta vittharena vipassati. Dịch là: Người có sự tinh tấn thường thấy rõ 7 loại theo chi tiết, là: sự gìn giữ và sự dứt bỏ; sự tiêu diệt của thời kỳ tiến hoá; thực phẩm; thời tiết; nghiệp; tâm; sắc thường.

1) Tiếng “sự gìn giữ” là gìn giữ sự sanh. Tiếng “sự dứt bỏ” là bỏ sự tử. Trong hai tiếng đó, phải quán tưởng rằng: Tất cả sắc trong thời gian sanh và diệt là cái không thường: về tình trạng sanh và diệt; về sự biến đổi; vì có tạm thời; vì ngăn sự thường. Như thế đó do nguyên nhân: sắc sanh rồi trú ở, trong thời gian trú ở, hằng khổ não vì sự già, khi già rồi phải tan rã, không sai, cho nên gọi là không thường và là khổ não: vì bị đè ép mãi mãi, vì khó chịu được, vì là nơi trú của sự khổ, vì không có sự vui.

Nói là “vô ngã” vì không vâng lời theo thế lực của ai, nghĩa là người nào dạy bảo rằng; hãy trú vững một mực, đừng già, dừng tan rã, như thế, không được: vì là cái rổng không, vì không có tài chủ, vì không ở trong quyền lực, vì phản đối ngay với ngả.

2) Tiếng “sự tiêu diệt” của sắc tiến hoá đó là phải phân biệt sắc trong 100 năm. Chia ra làm 3 thời kỳ: sơ thời kỳ (pathamavaya), trung thời kỳ (majjhimavaya), chung thời kỳ (pajjhimavaya), phải quán tưởng là: sắc sinh tồn trong sơ thời kỳ, thường diệt trong sơ thời kỳ, không trú đến trung thời kỳ, không trú đến chung thời kỳ, thời diệt trong chung thời kỳ. Nhân đó, mới gọi sắc là cái không thường, là khổ não, là vô ngã.

Khi đã quán tưởng theo 3 thời kỳ như thế rồi, phải quán tưởng chia 100 năm ra 10 phần. Phần thứ nhứt, thuở còn bé thơ, thì diệt trong 10 năm thứ nhứt, sắc trong 10 năm thứ nhì cũng diệt trong 10 năm thứ nhì, sắc trong 10 năm thứ 3 cũng diệt trong 10 năm thứ ba, sắc trong 10 năm thứ tư cũng diệt trong 10 năm thứ tư, như thế, cho đến sắc trong 10 năm thứ 10 cũng diệt trong 10 năm thứ 10.

Rồi phải quán tưởng chia 100 năm ra 20 phần, mỗi phần 5 năm, rằng: sắc trong 5 năm đầu cũng diệt trong 5 năm đầu, không sinh tồn đến 5 năm thứ 2… cho đến sắc trong 5 năm thứ 20 cũng diệt trong 5 năm thứ 20, cho nên gọi sắc là vô thường, là khổ não, là vô ngã.

Rồi chia 100 ra 25 phần, mỗi phần 4 năm, rồi chia ra 33 phần, mỗi phần 3 năm, rồi chia ra 50 phần, mỗi phần 2 năm, rồi chia ra 100 phần, mỗi phần 1 năm, rồi chia một năm ra 2 phần, mỗi phần là sáu tháng, rồi chia ra 6 phần, mỗi phần là 2 tháng, rồi chia một tháng ra 2 phần, là thượng tuần và hạ tuần, rồi chia ngày ra 2 phần là ban ngày và ban đêm, rồi chia ngày và đêm làm 6 phần là sớm, trưa, chiều, đầu hôm, nửa đêm, rạng đông. Phải quán tưởng sắc theo ba “phổ phông tướng” là không thường, là khổ não, là vô ngã.

Khi đã quán tưởng sắc bằng sự phân biệt năm tháng, hạ tuần, thượng tuần, ngày, đêm và giờ như đã giải trên được thuần thục rồi, phải xem xét từ thô thiển đến vi tế theo từng thời.

3) Tiếng nói “thực phẩm” là quán tưởng sắc sanh lên trong khi đói và lúc no rằng: sắc sanh lên trong khi đói, cũng diệt trong khi đói, không sanh tồn đến lúc no, sắc sanh trong lúc no, cũng diệt trong lúc no, không trú đến khi đói.

Giải rằng: sắc sanh trong lúc đói, là sắc màu da tiều tuỵ, không tốt đẹp, sắc sanh lúc no, là sắc tươi tốt, sắc tiều tuỵ không tốt đẹp cũng diệt trong giờ đó, không lâu dài đến lúc tươi tốt, sắc tươi tốt cũng diệt trong lúc đó, không sống còn đến lúc tiều tuỵ, cho nên gọi là vô thường, là khổ não, là vô ngã.

4) Tiếng nói “thời tiết” là nói về sự quán tưởng sắc sanh trong mùa nóng và mùa lạnh rằng: sắc sanh trong mùa nóng là sắc có màu còm cỏi, tiều tuỵ, cũng hằng diệt trong mùa nóng, không lâu dài đến mùa lạnh; sắc sanh trong mùa lạnh là sắc có màu tươi tốt, mềm diệu cũng diệt trong mùa lạnh, không lâu dài đến mùa nóng, mới gọi là vô thường, khổ não, vô ngã.

5) Tiếng nói: “nghiệp” là phải quán tưởng rằng: sắc sanh theo nghiệp trong nhãn môn (cakhudvāra), nhĩ môn (sotadvāra), tỷ môn (ghānadvāra), thiệt môn (jivhādvāra), thân môn (kāyadvāra), ý môn (manodvāra) cũng diệt trong nơi sanh đó, nghĩa là sắc sanh trong mắt, thì diệt trong mắt, không lâu dài dính liên tiếp đến tai, đến mũi, đến lưỡi, đến thân, đến ý, nhân đó mới gọi là vô thường, khổ não, vô ngã.

6) Tiếng “tâm” là phải quán tưởng rằng: sắc sanh trong thời tâm vui mừng, là trong lúc tâm ưa thích, cũng diệt trong lúc tâm vui thích, sắc sanh trong thời tâm buồn rầu cũng diệt trong thời tâm buồn rầu, không lâu dài đến khi vui thích, mới gọi là vô thường, khổ não, vô ngã.

7) Tiếng “sắc thường” là quán tưởng rằng: sắc sanh trong nơi ngoài là sắc vô tri như các hột giống cũng diệt từng khoảng, từng lúc.

Khi quán tưởng sắc theo 7 loại như thế rồi, phải quán tưởng sắc theo 5 pháp có sự tiếp xúc là thứ năm (phassa), là thọ (vedanā), tưởng (sannā), tác ý (cetanā), thức (viññāṇa), xúc (phassa) theo 7 tình trạng, là: theo bó, đối, sát na, liên tiếp, rút lui kiến thức, rút lui ngã chấp, hết sự gìn giữ.

Tiếng nói “bó” là phải quán tưởng rằng tất cả 5 pháp có tiếp xúc là thứ 5, sanh trong thời quán tưởng rằng: các tốc này không thường, là khổ não, là vô ngã; cả 5 pháp có tiếp xúc là thứ 5 đó, hằng diệt trong thời quán tưởng tốc đó, mới gọi là vô thường, là khổ não, là vô ngã, nghĩa là trong điều này, dạy phải quán tưởng tất cả 5 pháp, có sự tiếp xúc là thứ 5, trong mỗi sát na, quán tưởng 32 bộ phận cho thấy khổ não, là vô ngã, liên tiếp theo sự quán tưởng sắc bằng 7 tình trạng đó.

Tiếng nói “rút lui kiến thức” là phải quán tưởng chia thân ra làm sắc, vô sắc cho đến khi thấy rằng: không phải chúng sanh, không phải người, ta, họ.

Tiếng nói “rút lui ngã chấp” là phải quán tưởng rằng: sự quán tưởng hiểu biết đó không chi khác, là nói về thân thể cấu tạo (saṅkhāra) đó, biết, thấy, không phải ta là người biết người thấy.

Tiếng nói “hết sự gìn giữ” là phải quán tưởng cho thấy hết sự ưa thích trong pháp “minh sát niệm” (vipassanā bhāvānā) nếu ưa thích rằng: ta có thể biết rõ, thấy rõ, như vậy, không hết sự gìn giữ. Chỉ đến khi nhìn xét thân thể cấu tạo là người thấy rõ, biết rõ, rồi phải phân biệt, xem xét thân thể cấu tạo cho đến khi thấy rằng: thân thể cấu tạo đó là không thường là khổ não, là vô ngã mới gọi là hết gìn giữ.

‒ Dứt Tam tưởng (trīlakkhana) ‒

‒ Dứt Vi diệu pháp vấn đáp (Pl.2497-Dl.1954)‒

  • 1
    Nhử: nhấp mồi.