WikiDhamma

Thư Viện Nghiên Cứu Phật Giáo


Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, 
Bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa

Tứ Diệu Đế Thuộc Về Thực Tại Tối Hậu (Chân Đế)

Tứ Diệu Đế (Bốn Chân Lý Cao Thượng)– Chúng ta đã nói về những sự thật (chân lý) nhưng cho tới giờ chúng ta vẫn chưa nói về Tứ Diệu Đế. Có thể bạn muốn biết Tứ Diệu Đế có liên hệ như thế nào với bốn loại chân đế. Khổ Đế chính là tâm, tâm sở, và sắc pháp. Nói một cách chính xác theo Vi Diệu Pháp Abhidhamma thì tâm siêu thế nằm ngoài Tứ Diệu Đế. Tâm siêu thế không thuộc bất kỳ Đế nào trong Tứ Diệu Đế. Tập Đế hay nguồn gốc của đau khổ là gì? Đó chính là tham ái. Tham ái là một trong 52 tâm sở (Cetasikas). Tập Đế hay Chân Lý Cao Thượng thứ hai chính là tâm sở tham hay dính mắc. Diệt Đế hay Chân Lý Cao Thượng thứ ba chính là sự chấm dứt đau khổ, đó là Níp Bàn (Nibbāna). Diệt Đế cũng chính là loại chân đế thứ tư. Chân Lý Cao Thượng thứ tư, con đường đưa tới sự chấm dứt khổ, hay nói đơn giản là Bát Chánh Đạo, thuộc về loại chân đế nào? Bát Chánh Đạo chỉ là sự kết hợp của tám tâm sở (Cetasikas). Vì vậy, Chân Lý Cao Thượng thứ tư hay Bát Chánh Đạo thuộc về loại chân đế thứ hai (tức tâm sở, Cetasikas). Đây không phải là sự tương ứng một — một. Chân lý thứ nhất hay Khổ Đế thuộc về loại chân đế thứ nhất, thứ hai, và thứ ba bởi vì nó bao gồm tâm, tâm sở, và sắc pháp. Chân lý thứ hai hay Tập Đế thuộc về loại chân đế thứ hai (tức tâm sở, Cetasika). Chân lý thứ ba hay Diệt Đế thuộc về loại chân đế thứ tư và chân lý thứ tư hay Bát Chánh Đạo thuộc về loại chân đế thứ hai, tâm sở (Cetasikas). Vì vậy Tứ Diệu Đế đều nằm trong bốn loại chân đế (tâm, tâm sở, sắc pháp, và Níp Bàn).

Khi Đức Phật thuyết pháp, Ngài giảng giải theo nhiều cách khác nhau để cho những người thính pháp có thể hiểu và liễu ngộ chân lý. Do đó, Ngài thuyết giảng giáo pháp bằng nhiều phương pháp khác nhau cho những đối tượng khác nhau. Đó là lý do tại sao chúng ta có nhiều giáo lý nhưng thực chất chúng đều có điểm chung và giống nhau. Đức Phật có thể dùng từ ‘các uẩn’ cho nhóm thính chúng này. Đối với nhóm khác, Ngài có thể dùng từ ‘các yếu tố’ hay ‘các xứ’. Thực ra chúng có cùng nghĩa. Đức Phật thuyết giảng Tứ Diệu Đế trong bài pháp đầu tiên của mình (Kinh Chuyển Pháp Luân) — Sự thật về khổ (Khổ Đế), sự thật về nguồn gốc của khổ (Tập Đế), sự thật về sự chấm dứt khổ (Diệt Đế), và sự thật về con đường chấm dứt khổ (Đạo Đế) — nhưng trong tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) Ngài thuyết giảng về bốn loại chân đế (sự thật tột cùng). Thực ra chúng là như nhau.

Các bạn có thắc mắc mắc gì thì hãy đặt câu hỏi, chúng ta vẫn còn chút thời gian.

Sādhu! Sādhu! Sādhu, lành thay!

Thiền sinh: Bạch sư, tôi thực sự khó hiểu tại sao Níp Bàn (Nibbāna) vẫn là vô ngã (Anatta).

Thiền sư:Anatta‘ có nghĩa trái ngược với Atta. ‘Atta‘ nghĩa là linh hồn hay thực thể trường cửu. Nó được dịch là tự ngã hay linh hồn hay cái gì đó tương tự vậy. Níp Bàn (Nibbāna) không phải là linh hồn. Đó là lý do tại sao Níp Bàn (Nibbāna) được gọi là vô ngã (Anatta). Níp Bàn (Nibbāna) không có bất kỳ nhân nào. Níp Bàn (Nibbāna) không phụ thuộc vào bất kỳ điều kiện nào. Níp Bàn (Nibbāna) không được tạo ra bởi nhân duyên nào. Bởi vì nó không có ngã (Atta) nên nó được gọi là vô ngã (Anatta). Chúng ta không thể nói Níp Bàn (Nibbāna) ở chỗ này hay ở chỗ kia. Không có nơi nào là chỗ trú ngụ của Níp Bàn (Nibbāna). Níp Bàn (Nibbāna) là một cái gì đó giống như sức khoẻ vậy. Chúng ta có thể tận hưởng cảm giác khi khoẻ mạnh, nhưng để định nghĩa sức khoẻ là gì thì thật là khó. Sức khoẻ là trạng thái vắng bóng của bệnh tật. Níp Bàn (Nibbāna) là trạng thái vắng bóng của phiền não. Có một lần nọ, một vị Tỳ Kheo hỏi Ngài Sāriputta “Níp Bàn (Nibbāna) có cảm thọ không?” Ngài Sāriputta trả lời “Không có”. Do đó chúng ta không thể tận hưởng Níp Bàn (Nibbāna). Có thể nói rằng chúng ta kinh nghiệm Níp Bàn (Nibbāna) nhưng không thể nói rằng chúng ta tận hưởng nó. Chúng ta không tận hưởng hay cũng không chịu đựng. Níp Bàn (Nibbāna) chỉ là một trạng thái vắng lặng.

Thiền sinh: Một số người cho rằng Níp Bàn (Nibbāna là một trạng thái hư vô (nihilism) bởi vì bạn không có cảm thọ chi hết. Sự khác nhau ở đây là gì? Hay có phải Níp Bàn (Nibbāna) và chủ nghĩa hư vô là cùng một thứ?

Thiền sư: Tôi không biết chủ nghĩa hư vô là gì.

Thiền sinh: Chủ nghĩa hư vô1Xem tại link này là một thuật ngữ triết học cho rằng mọi thứ có trạng thái rỗng không, không có cảm thọ chi cả, không có gì cả.

Thiền sư: Kinh điển nói rằng khi Đức Phật hay một vị A La Hán (Arahant) viên tịch, các Ngài không tái sanh nữa. Nghĩa là các Ngài không còn hiện hữu nữa, các Ngài không còn đời sống nào nữa sau khi viên tịch. Các Ngài chỉ không hiện hữu nữa. Tôi không rõ có phải các bạn gọi trạng thái này là chủ nghĩa hư vô hay không. Cho dù ai gọi nó là chủ nghĩa hư vô hay không thì Níp Bàn (Nibbāna) vẫn là Níp Bàn (Nibbāna). Đó là lý do tại sao tôi nói rằng các bạn có thể không thích Níp Bàn (Nibbāna) nếu các bạn biết rõ thực sự Níp Bàn (Nibbāna) là gì.

Thiền sinh: Có tâm (Citta) ở trong Níp Bàn (Nibbāna) không?

Thiền sư: Không. Níp Bàn (Nibbāna) là một thực tại tối hậu (hay chân đế). Nếu có tâm ở trong Níp Bàn (Nibbāna) thì Níp Bàn (Nibbāna sẽ không thường hằng (tức vô thường). Do đó không có tâm (Cittas), tâm sở (Cetasikas), hay sắc pháp (Rūpas) ở trong Níp Bàn (Nibbāna). Níp Bàn (Nibbāna) là một loại chân đế riêng biệt.

Thiền sinh: Giả sử ta có ba chậu nước: một chậu mát, một chậu vừa, và một chậu ấm. Sau đó ta để một tay vào chậu nước mát và một tay vào chậu nước ấm. Kế đến ta để hai tay vào chậu nước vừa. Khi ấy ta sẽ cảm thấy một tay đang mát lạnh và một tay đang ấm lên. Có thể đó là ảo giác. Ở đây thật khó có thể nói đâu là thật đâu là giả.

Thiền sư: Khi các bạn cảm giác nóng hay lạnh, không phải tay các bạn cảm giác mà chính là cảm thọ, thuộc về chân đế. Cảm thọ là cảm thọ. Đặc tính của cảm thọ là kinh nghiệm đối tượng. Đối tượng có thể nóng hay lạnh, nhưng các bạn cảm giác nó, các bạn kinh nghiệm nó. Kinh nghiệm đó được gọi là cảm thọ. Cảm thọ không hề thay đổi. Cảm thọ là cảm thọ. Đặc tính của cảm thọ không thể thay đổi. Đó là một cách lý giải về chân đế. Những sự thật theo chân đế thì vô thường. Tại mỗi khoảnh khắc, chúng sanh lên rồi hoại diệt, sanh rồi diệt. Mặc dù chúng luôn sanh rồi diệt, nhưng bản chất nội tại thì không hề thay đổi. Chẳng hạn, thức là sự nhận biết đối tượng. Thức luôn là sự nhận biết đối tượng. Thức không hề thay đổi từ dạng này sang dạng khác. Đó chính là cái mà ta gọi là chân đế.

Thiền sinh: Bạch Ngài, Ngài nói rằng các tâm sở (Cetasikas) phải có cùng đối tượng với tâm (Citta). Tôi muốn biết rõ có phải đối tượng pháp2mental object dhammāyatana  được bao gồm trong đó.

Thiền sư: Đúng vậy, đối tượng pháp, bất kỳ đối tượng nào.

Thiền sinh: Bạch Ngài, các tâm sở (Cetasikas) cần phải có tâm (Citta) để sanh khởi. Vậy thì, ngược lại, tâm (Citta) có thể khởi sanh mà không có tâm sở (Cetasikas) không?

Thiền sư: Không thể, Các tâm (Cittas) và tâm sở (Cetasikas) phải đồng sanh với nhau. Chúng luôn đồng sanh tại cùng thời điểm. Chỉ khi nào có tâm (Citta) thì chúng sẽ đồng sanh với nhau. Chỉ khi nào có sự xúc chạm với đối tượng thì sẽ có sự kinh nghiệm đối tượng, cảm thọ với đối tượng, sự dính mắc vào đối tượng, … Đó là lý do vì sao chúng phụ thuộc vào tâm (Citta), nhưng chúng sanh khởi cùng lúc với nhau. Chẳng hạn như thế này (thiền sư vỗ tay)3Chú ý vào tiếng vỗ tay của thiền sư.. Âm thanh thì phụ thuộc vào sự tiếp xúc của hai bàn tay. Sự tiếp xúc của hai bàn tay và âm thanh khởi sanh cùng lúc. Âm thanh phụ thuộc vào sự tiếp xúc hai bàn tay. Chúng ta nói rằng có âm thanh bởi vì có sự xúc chạm của hai bàn tay. Âm thanh không khởi sanh sau mà khởi sanh ngay tại thời điểm xúc chạm của hai bàn tay. Tương tự như thế, khi thức (consciousness) sanh khởi, thì các tâm sở (Cetasikas) sẽ sanh khởi cùng lúc với tâm (Citta).

Thiền sinh: Bạch Ngài, có phải tâm (Citta) luôn cần các tâm sở (Cetasikas) để sanh khởi?

Thiền sư: Ta không nói tâm (Citta) cần các tâm sở (Cetasikas) để sanh khởi, nhưng chúng luôn sanh khởi cùng lúc với nhau. Bởi vì sự sanh khởi của các tâm sở (Cetasikas) phụ thuộc vào tâm (Citta), nên ta nói rằng các tâm sở (Cetasikas) phụ thuộc vào tâm (Citta). Mặc dù chúng phụ thuộc vào tâm (Citta), nhưng chúng sanh khởi cùng lúc với tâm (Citta), giống như âm thanh vậy. Có một lý giải cho thấy các tâm sở (Cetasikas) không thể sanh khởi mà không có tâm (Cittas). Điều này cũng đúng cho tâm (Cittas). Tâm (Cittas) sanh khởi cùng với các tâm sở (Cetasikas). Tâm (Cittas) không thể sanh khởi một mình. Khi nào tâm (Cittas) sanh khởi, các tâm sở (Cetasikas) cũng sanh khởi theo. Chẳng hạn như các bạn làm gì đó cùng lúc. Một người là người dẫn đầu. Những người còn lại thì đi theo. Các bạn đi chung với nhau, nhưng các bạn lại phụ thuộc vào người dẫn đầu.

Thiền sinh: Ta không thể có người dẫn đầu mà không có ai đi theo.

Thiền sinh: Bạch Ngài, sự thật chế định (tục đế Paññatti) thì vượt thời gian. Vậy nó cũng không bị điều kiện hoá (tức là pháp vô vi)?

Thiền sư: Tục đế (Paññatti) không bị điều kiện hoá. Các bạn biết đó, tục đế (Paññatti) thực ra chẳng là gì cả. Nó chẳng qua là sự sáng tạo của trí óc chúng ta. Đó là lý do vì sao chúng ta không nói nói khởi sanh hay hoại diệt. Như các bạn đã biết, Đức Phật đã từng là vị Bồ Tát (Bodhisatta) trong hàng triệu kiếp sống. Khi Ngài phát nguyện lần đầu tiên làm vị Bồ Tất hay khi Ngài nhận được sự thọ ký xác quyết rằng Ngài sẽ trở thành một vị Phật, khi ấy tên của Ngài là Sumedha. Cái tên đó được mọi người ghi nhớ trong một khoảng thời gian. Sau đó cái tên đó biến mất. Có thể nó đã bị lãng quên trong nhiều đại kiếp trái đất (world cylces). Sau đó Ngài thành Phật. Ngài thành Đức Phật Gotama và khơi gợi lại câu chuyện này khi mà Ngài là vị Bồ Tát. Khi ấy cái tên Sumedha xuất hiện trở lại. Vì vậy danh chế định được gọi là vượt thời gian trong Vi Diệu Pháp (Abhidhamma).

  • 1
    Xem tại link này
  • 2
    mental object
  • 3
    Chú ý vào tiếng vỗ tay của thiền sư.