WikiDhamma

Thư Viện Nghiên Cứu Phật Giáo


Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, 
Bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa

Sự Phân Loại Tâm

Tâm (Citta) được phân tích trong Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) theo những cách khác nhau. Trong bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅgaṇī), tâm (Citta) được phân loại theo bản chất tự nhiên của nó (chúng ta gọi đó là loại). Điều đó nghĩa là tâm (Citta) được phân loại theo loại tâm thiện, hay tâm bất thiện, hay không phải thiện lẫn bất bất thiện. Đó là thứ tự của tâm được trình bày trong quyển đầu tiên của Vi Diệu Pháp (Abhidhamma).

Tuy nhiên sự sắp xếp tâm trong quyển cẩm nang này thì có sự khác biệt. Sự sắp xếp ở đây được căn cứ dựa trên các cõi. Để hiểu cách sắp xếp này thì bạn phải hiểu khái niệm các cõi. Những điều này được trình bày trong chương thứ năm của quyển cẩm nang này (xem CMA, V, Table 5.1, trang 186). Nói một cách ngắn gọn thì có 31 cõi.

11 cõi thuộc về dục giới,

16 cõi thuộc về sắc giới (sắc ở đây là sắc vi tế),

4 cõi thuộc về vô sắc giới.

Có tất cả là 31 cõi. Loài người và các chư thiên bậc thấp thuộc về 11 cõi dục giới.

Tâm thường xuất hiện trong các cõi dục giới này được gọi là tâm dục giới. Tiếng PāḷiKāmāvacara. Nhưng điều đó không có nghĩa là những loại tâm này không xuất hiện ở những cõi khác. Chúng vẫn có thể khởi sanh ở những cõi khác, nhưng những nơi chủ yếu mà chúng khởi sanh là những cõi dục giới. Chúng được gọi là các tâm (Cittas) liên quan tới dục giới.

Có những loại tâm khác được gọi là các tâm thiền (Jhānas) chỉ khởi sanh chủ yếu ở 15 cõi sắc giới. Lúc đầu tôi nói 16 cõi nhưng giờ tôi lại nói 15. Trong số 16 cõi sắc giới, có một cõi dành cho các chúng sanh không có tâm (vô tưởng). Kinh sách nói rằng không có tâm trong cõi đó. Nhưng chúng ta đang học về tâm hay danh pháp. Do đó cõi vô tưởng sẽ không được đề cập đến. Các loại tâm chủ yếu sanh khởi trong 15 cõi sắc giới này được gọi là tâm sắc giới. Chúng ta sẽ sử dụng các thuật ngữ Pāḷi sau.

Có những loại tâm khác cao hơn chủ yếu thuộc về 4 cõi vô sắc. Như vậy, chúng ta có 3 nhóm:

Nhóm 1 thuộc về dục giới,

nhóm 2 thuộc về sắc giới,

nhóm 3 thuộc về vô sắc giới.

Có 1 giới nữa được gọi là siêu thế. Giới này nằm ngoài tam giới (dục giới, sắc giới, vô sắc giới).

Trong quyển cẩm nang này, tâm (Citta) được phân loại theo các cõi. Chúng ta gọi sự phân loại này là sự phân loại của các cõi tâm thức. Các bạn sẽ tìm thấy từ “cõi tâm thức” xuất hiện trong quyển cẩm nang này (xem CMA, I, Guide to §3, trang 29).

Vậy có tất cả bao nhiêu tâm cả thảy? Có 89 hay 121 tâm. Các bạn có thể xem lướt qua 89 hay 121 loại tâm này ở trang 28 trong quyển cẩm nang này (CMA). Đầu tiên các bạn sẽ thấy có 81 tâm hiệp thế (mundane Cittas). Sau đó nếu các bạn tìm xuống cuối trang thì sẽ thấy 8 hay 40 tâm siêu thế. Đó là cách phân chia thứ nhất. Tâm thực sự chỉ có một nếu xét theo đặc tính nhận biết đối tượng của nó. Nhưng vì có những tâm sở đi chung với tâm, nên tâm được phân ra nhiều loại như vậy. Trước hết tâm (Citta) được chia thành hai loại đó là tâm hiệp thế và tâm siêu thế.

Sau đó các tâm hiệp thế lại được phân chia thành các tâm dục giới — có bao nhiêu tâm dục giới? Có 54. Kế đến có 15 tâm sắc giới. Và sau đó có 12 tâm vô sắc giới.

Các tâm dục giới được tiếp tục phân chia. Đó là 12 tâm bất thiện, 18 tâm vô nhân, và 24 tâm dục giới tịnh hảo. Vậy có tất cả 81 tâm hiệp thế.

Các tâm siêu thế thì được phân thành hai. Đầu tiên là 4 hay 20 tâm đạo. Sau đó là 4 hay 20 tâm quả. Do đó có tất cả là 89 hay 121 tâm.