WikiDhamma

Thư Viện Nghiên Cứu Phật Giáo


Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, 
Bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa

Tâm Si (Mohamūla Cittas)

Bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu tâm si (Mohamūla Cittas). Moha được dịch là si mê. Nó đánh lừa tâm trí. Nó làm cho tâm trí bạn bị mơ hồ hay đại loại thế. Moha có đặc tính là che đậy hay che giấu bản chất thực sự của mọi vật. Chính vì đặc tính si mê này nên chúng ta không thể thấy rõ bản chất thực sự của mọi thứ. Chúng ta không thấy sự vật là vô thường, khổ, vô ngã …

Hai loại tâm này chỉ đi kèm với gốc si (Moha). Tám loại tâm đầu tiên đi kèm với gốc tham (Lobha) và gốc si (Moha). Hai loại tâm sân (Dosamūla Cittas) được đi kèm với gốc sân (Dosa) và gốc si (Moha). Hai loại tâm cuối cùng này chỉ đi kèm với gốc si (Moha). Mặc dù gốc si (Moha) hiện hữu trong các tâm tham và sân, nhưng chức năng của nó không nổi bật như trong hai loại tâm si này. Đối với các tâm tham và sân, gốc tham (Lobha) và gốc sân (Dosa) nổi trội hơn gốc si (Moha). Gốc si (Moha) không nổi trội lắm trong 10 loại tâm đầu tiên. Trong hai loại tâm si cuối này thì gốc si nổi bật rõ rệt vì không có gốc tham (Lobha) và gốc sân (Dosa).

Loại tâm si (Mohamūla Citta) đầu tiên là tâm si thọ xả hợp với hoài nghi (Upekkhā-sahagata Vicikicchā-sampayutta). Chắc hẳn bạn đã biết Upekkhā, đó chính là thọ xả hay thọ trung tính. Từ ‘Vicikicchā‘ nghĩa là nghi ngờ hay hoài nghi. Vicikicchā được định nghĩa theo hai cách: cách thứ nhất là “sự hỗn loạn” và cách thứ hai là “sự vắng bóng trí tuệ hay vắng bóng sự hiểu biết đúng đắn“. Theo cách định nghĩa thứ nhất thì Vicikicchā là sự hỗn loạn, nghĩa là bạn không thể phân biệt được cái nào là cái nào. Bạn lâm vào tình trạng lưỡng lự, do dự. Khi bạn cố tìm hiểu cái này là cái nào, bạn trở nên bối rối và lẫn lộn. Đôi khi trạng thái này được gọi là tình trạng bối rối, lúng túng, hay hỗn loạn. Vì vậy nó được định nghĩa theo cách này là phiền não tạo bởi những suy nghĩ rối rắm phức tạp. Đó là trạng thái lưỡng lự, không quyết định. Bạn không thể phân biệt được giữa cái này và cái kia. Chẳng hạn như đó là tà kiến (hiểu biết sai lầm) hay chánh kiến (hiểu biết đúng đắn), bạn không thể phân biệt được. Nó giống như ngã ba đường vậy.

Theo cách giải thích thứ hai thì Vicikicchā được hiểu là sự vắng bóng của trí tuệ hay hiểu biết đúng đắn. Khi có sự nghi ngờ thì sẽ không có sự hiểu biết đúng đắn, do đó sẽ không thể có tri thức đúng đắn. Đó là lý do tại sao nó được gọi là sự vắng bóng trí tuệ hay hiểu biết đúng đắn. Nếu trí tuệ hay sự hiểu biết đúng đắn sanh khởi, hoài nghi sẽ không còn. Do đó khi nào còn sự hoài nghi, trí tuệ không thể sanh khởi. Vì vậy Vicikicchā theo nghĩa thứ hai chính là sự vắng bóng trí tuệ.

Đây là cách chơi chữ. Nghĩa đầu tiên của Vicikicchā được dựa trên sự phân tách hai từ ‘Vici‘ và ‘Kicchā‘. Từ ‘Vici‘ nghĩa là điều tra và từ ‘Kicchā‘ nghĩa là sự hỗn loạn. Nghĩa thứ hai được dựa trên sự phân tách hai từ ‘Vi‘ và ‘Cikicchā‘. ‘Cikicchā‘ nghĩa là sự chữa trị, hay phương thuốc, hay trí tuệ, còn ‘Vi‘ nghĩa là không. Nghĩa thứ hai này ám chỉ không có hay vắng bóng trí tuệ. Bản chất của sự hoài nghi này là hoài nghi về Đức Phật (Buddha), hoài nghi về Giáo Pháp (Dhamma), hoài nghi về Chư Tăng (Saṃgha), hoài nghi về sự tu tập, hoài nghi về Tứ Diệu Đế, hoài nghi về Lý Duyên Khởi. Những điều này được gọi là sự hoài nghi.

Tâm si (Mohamūla) đầu tiên là loại tâm sanh khởi cùng với sự hoài nghi và thọ xả. Sự hoài nghi chỉ hiện hữu cùng với thọ xả (thọ trung tính). Không thể tìm thấy thọ hỷ hay thọ ưu ở đó; chỉ có thọ trung tính hay thọ xả mà thôi. Hay nói cách khác chỉ có thọ xả (Upekkhā-sahagata) ở đây và không có thọ hỷ (Somanassa) và thọ ưu (Domanassa).

Các tâm chỉ đi kèm với gốc si (Moha) thì không mạnh bằng những tâm đi kèm với gốc tham (Lobha) hay sân (Dosa). Những tâm này là những tâm có trạng thái mờ nhạt. Chính vì chúng có trạng thái mờ nhạt, nên đặc tính của các đối tượng hay các cảnh không được biểu hiện rõ ràng như những tâm khác. Đó là vì chúng luôn đi kèm với thọ xả (Upekkhā) (thọ trung tính) chứ không phải thọ hỷ hay thọ ưu.

Ta hãy xét ví dụ sau trong CMA trang 40:

“Một người, với tâm si mê, hoài nghi về sự giác ngộ của Đức Phật hay nghi ngờ Giáo Pháp có khả năng đưa tới sự giải thoát.” (CMA, I, Guide to §7, trang 40).

Khi bạn có tâm như vậy, tâm bạn đã có sự hoài nghi (Vicikicchā). Đôi khi trong lúc hành thiền, có thể bạn sẽ có những hoài nghi như vậy. Bạn có thể nghĩ “Có phải chỉ cần chú tâm vào chuyển động của bụng hay hơi thở thì ta có thể khám phá được bản chất thật sự của sự vật? Làm như vậy có thực sự mang lại lợi ích không?” Khi có sự hoài nghi, bạn sẽ không thể tiếp tục hành thiền. Sự hoài nghi là một trong những chướng ngại cho tâm ngăn cản sự phát triển của định tâm.

Tâm si Upekkhā-sahagata tiếp theo là loại tâm đi kèm với phóng dật (Uddhacca). Thực ra (Uddhacca) là một tâm sở. Sự hoài nghi (Vicikicchā) cũng là một tâm sở. Có rất nhiều tâm sở ở đây. Chúng ta sẽ tìm hiểu những tâm sở này trong chương hai. Uddhacca hay phóng dật nghĩa là sự giao động hay run động trên đối tượng hay cảnh. Về cơ bản, nó có nghĩa là như vậy: ‘Ud‘ nghĩa là ở trên và ‘Dhacca‘ nghĩa là giao động hay run động. Giao động trên đối tượng nghĩa là bạn không thể thấy rõ đối tượng. Tâm bạn không trụ ở trên một đối tượng nhất định. Tâm bạn không ở trên đối tượng một cách vững chắc. Tâm bạn đang giao động, đại khái như vậy. Do vậy, Uddhacca hay phóng dật chính là không có khả năng nhận biết đối tượng một cách rõ ràng. Đôi khi trong lúc hành thiền, bạn không nhận biết rõ đối tượng. Bạn có thể ghi nhận hơi thở vào hơi thở ra, hay sự phồng xẹp của bụng, nhưng bạn không thấy rõ chúng. Đó có thể là do Uddhacca hay sự phóng dật. Hãy cố gắng tinh tấn ghi nhận đối tượng rõ ràng hơn. Tâm si được nói trong trường hợp này chính là tâm si hợp với phóng dật, Uddhacca-sampayutta.

Thực ra tâm sở Uddhacca, sự phóng dật, có mặt trong tất cả 12 tâm bất thiện này. Nó không chỉ đồng sanh với tâm cuối cùng này mà còn đồng sanh với 11 tâm bất thiện còn lại. Chỉ có tâm cuối cùng này mới được gọi là Uddhacca-sampayutta, tức là tâm si hợp với phóng dật. Đó là bởi vì tính năng của tâm sở phóng dật (Uddhacca) trong 11 tâm còn lại không được nổi trội so với những tâm sở khác. Nhưng đối với tâm cuối cùng này (tâm thứ 12) thì không có tham phần (Lobha) và si phần (Dosa) nên tính năng của tâm sở phóng dật (Uddhacca) được biểu lộ rõ ràng. Chính vì vậy tâm bất thiện cuối cùng này được gọi là tâm si hợp với phóng dật, Uddhacca-sampayutta. Tính năng của tâm sở phóng dật (Uddhacca) trở nên mạnh mẽ và chiếm ưu thế trong loại tâm này.

Hai loại tâm cuối cùng này được gọi là tâm si, Mohamūla Cittas, nghĩa là loại tâm có gốc si hay đi kèm với si mê. Có ba nhân hay gốc bất thiện: tham, sân, và si. Ba nhân tham, sân, si này đồng sanh với 12 tâm bất thiện theo những cách khác nhau. Tám tâm bất thiện đầu thiên đi kèm với bao nhiêu nhân? Chúng đi kèm với hai nhân. Đó là hai nhân nào? Đó chính là nhân tham (Lobha) và nhân si (Moha). Nhóm thứ hai gồm hai tâm đi kèm với nhân sân (Dosa) và nhân si (Moha). Nhóm hai tâm cuối cùng chỉ đi kèm với nhân si (Moha). Như vậy có 8 tâm đi kèm với nhân tham (Lobha) và nhân si (Moha); 2 tâm đi kèm với nhân sân (Dosa) và nhân si (Moha); và 2 tâm chỉ đi kèm với nhân si (Moha). Tổng cộng chúng ta có 12 tâm bất thiện cả thảy.