WikiDhamma

Thư Viện Nghiên Cứu Phật Giáo


Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, 
Bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa

Định Nghĩa Của Từ Bất Thiện

Tại sao những tâm này được gọi là bất thiện, Akusala? Chúng được gọi là bất thiện — Akusala— là bởi vì chúng đáng bị chê trách và mang lại kết quả đau khổ, không đáng hài lòng. Chúng gây ra đau khổ. Đặc tính thiện hay bất thiện dựa vào việc chúng đáng bị chê trách hay không bị chê trách, chúng có gây ra đau khổ hay mang lại sự an vui.

Trong trang 31 của CMA có nói rằng:

“Dựa theo bản chất thì tâm được phân thành 4 loại: tâm bất thiện, tâm thiện, tâm quả, và tâm duy tác. Tâm bất thiện, Akusala Citta, là tâm đi kèm với ba nhân bất thiện: tham, sân, và si. Những tâm này được gọi là bất thiện bởi vì chúng gây tổn hại về mặt tinh thần, và đáng bị chê trách về mặt đạo đức, …” (CMA, I, Guide to §3, trang 31)

Điều cần lưu ý ở đây là sự đáng chê trách về mặt đạo đức nghĩa là bị các bậc thiện trí khiển trách.

“… và tạo những kết quả đau khổ, không đáng hài lòng.” (CMA, I, Guide to §3, trang 31)

Chúng mang lai những kết quả đau khổ, không đáng hài lòng. Tâm thiện là loại tâm đối nghịch với tâm bất thiện. Tâm bất thiện sở dĩ được gọi là bất thiện là bởi vì chúng đáng bị chê trách về mặt đạo đức và tạo ra những kết quả đau khổ, không đáng hài lòng.

‘Akusala’ đôi khi được dịch là không thiện xảo hay vô đạo đức. Nhưng theo tôi thì những cách dịch này không mô tả được đầy đủ ý nghĩa như là từ ‘bất thiện‘.

Ví dụ như bạn đang thưởng thức đồ ăn tại nhà mình. Khi bạn ăn với tâm dính mắc, thì cách ăn như vậy là bất thiện, nhưng chúng ta không thể nói là vô đạo đức. Bạn đang ăn đồ ăn của chính mình, bạn đang thưởng thức chúng. Nên chẳng có gì đáng bị chê trách về mặt đạo đức ở đây cả. Tuy nhiên cách ăn như vậy vẫn là bất thiện. Đó là bởi vì tâm của bạn thực chất đi kèm với sự dính mắc hay nhân tham (Lobha). Đôi khi bạn cảm thấy không hài lòng bởi vì bạn không thích cái gì đó trong thức ăn của bạn. Trong trường hợp này tâm của bạn đi kèm với nhân sân (Dosa). Dùng từ ‘vô đạo đức’ để dịch từ ‘Akusala‘ thì không chính xác bằng dùng từ ‘bất thiện’. Do vậy chúng ta sẽ dùng từ ‘bất thiện’ này để nói về ‘Akusala‘.

Có tất cả 12 tâm bất thiện: 8 tâm đi kèm với nhân tham (Lobha), 2 tâm đi kèm với nhân sân (Dosa), và 2 tâm chỉ đi kèm với nhân si (Moha).