Khi chúng ta nói về bất thiện (Akusala), mọi người có vẻ rất e ngại về những trạng thái tâm bất thiện này. Nhưng ít nhất trong vài trường hợp, cho dù trạng thái tâm là bất thiện, nhưng nó không tới nổi quá tệ. Trong kinh Tăng Chi Bộ (Aṅguttara Nikāya) có nói rằng “Không phải tất cả tham ái đều là xấu“.
“Ta nói rằng thân này sinh khởi do bởi tham ái; và dựa vào duyên tham ái, tham ái nên được đoạn trừ.” (Aṅguttara Nikāya, I, 100, dịch giả: Ngài Nyanaponika Thera)
Tham ái được đề cập trong cụm “và dựa vào duyên tham ái” nghĩa là tham ái muốn được giải thoát. Bạn mong muốn kết quả từ sự tu tập của mình. Đó là một dạng tham ái, một dạng dính mắc. Vì vậy tôi mới nhắc nhở bạn đừng nên kỳ vọng vào bất cứ điều gì cả. Kỳ vọng cũng là một tham ái hay dính mắc. Tuy nhiên do bởi tham ái hay dính mắc vào thành quả tu tập nên bạn mới tu tập. Với thành quả của sự tu tập, bạn mới có thể diệt trừ được tham ái. Như vậy dựa vào tham ái hay dính mắc vào thành quả tu tập này bạn mới nỗ lực hành thiền và diệt trừ được tham ái. Loại tham ái này là ‘tham ái có thể chấp nhận được hay có thể duy trì được’. Tiếng Pāḷi là Sevitabbā. Bạn có loại tham ái hay dính mắc này vẫn không sao cả. Nếu bạn không có bất kỳ tham ái nào cho sự chứng ngộ đạo quả thì bạn sẽ chẳng tu tập chi cả. Nếu bạn không thực hành thì bạn sẽ chẳng được gì cả. Và dĩ nhiên bạn sẽ không thoát khỏi những phiền não. Do đó Đức Phật từng nói rằng loại tham ái này là chấp nhận được.
Trong Chú Giải có giải thích rằng “Với duyên tham ái hiện tại (tức ước muốn trở thành bậc Thánh A La Hán), hành giả từ bỏ tham ái trước đó là nhân duyên đưa tới sự tái sanh.” Điều này nghĩa là do bởi ước muốn hiện tại trở thành bậc Thánh A La Hán, hành giả diệt trừ tất cả tham ái là nhân duyên đưa tới sự tái sanh, sự hiện hữu.
“Câu hỏi được đặt ra là loại tham ái như vậy (tức là ước muốn đắc A La Hán Thánh Đạo, A La Hán Thánh Quả) là thiện (Kusala) hay bất thiện (Akusala)?” Khi nói tới Abhidhamma –Vi Diệu Pháp–, bạn phải tuân theo sự thật. Bạn không thể sử dụng xảo ngôn được. Nếu cái gì là Akusala (bất thiện) thì ta phải nói nó là Akusala (bất thiện). Theo Chú Giải thì loại tham ái này là bất thiện. Nghĩa là tham ái hay khao khát trở thành một vị A La Hán là bất thiện bởi vì đó là một trạng thái dính mắc. Do đó nó được xếp vào loại tâm bất thiện.
“Vậy thì ta có nên duy trì loại tham ái này không? Vẫn nên duy trì.” Duy trì loại tham ái này không có xấu và vẫn chấp nhận được mặc dù nó là bất thiện.
Bạn có thể lo sợ và nghĩ rằng “Liệu ta có thể nhận lấy quả khổ từ loại tham ái này chăng? Nó có đưa ta tới sự tái sanh hay không? Không, tham ái này không tới sự tái sanh.” Nó không dẫn dắt bạn tái sanh làm thú hay làm người. Nói tóm lại nó không dẫn bạn tới bất kỳ sanh thú nào cả. Bởi vậy tham ái này là chấp nhận được và nên được duy trì. Có loại tham ái hay dính mắc này vẫn tốt — muốn hành thiền, muốn làm việc thiện, muốn trở thành bậc Thánh A La Hán.
“Loại tham ái này (Sevitabbā) sẽ bị diệt trừ khi ta đã đạt được mục tiêu (tức là chứng đạo quả A La Hán).” Khi bạn trở thành bậc Thánh A La Hán, bạn sẽ diệt trừ loại tham ái hay dính mắc này. Như vậy, ta thấy không phải mọi tham ái đều là xấu.
Câu hỏi tiếp theo là “Trường hợp nào tội lỗi hơn?“. Đây là câu hỏi mà Đức Vua Milinda hỏi Đại Đức Nāgasena. Câu hỏi cụ thể như sau: “Đối với người làm điều bất thiện có sự hay biết và người làm điều bất thiện mà không có sự hay biết, ai có tội nhiều hơn?“
Câu trả lời ở đây khá là bất ngờ. Câu trả lời là: “người làm điều bất thiện mà không có sự hay biết sẽ có tội nhiều hơn.“
Bạn có chấp nhận câu trả lời đó không?
Sau đó, Đức Vua Milinda hỏi: “Vậy thì, thưa Ngài Nāgasena, ta sẽ ra hình phạt gấp đôi cho các vương tôn quý tộc hay người đảm nhiệm chức vụ cao khi họ làm điều bất thiện mà không có sự hay biết phải không?“
Theo luật pháp thế gian thì bạn sẽ không đưa ra hình phạt nặng với những ai phạm tội mà không hay biết.
Tuy nhiên, Đại Đức Nāgasena giải thích rằng “Đại vương nghĩ sao về điều này: một người cầm lấy một hòn sắc nóng đỏ, rực lửa, đang bốc cháy với tâm không hay biết và một người cũng cầm lấy hòn sắc nóng ấy với tâm hay biết, người nào sẽ bị phỏng nhiều hơn?“
Nếu bạn không hề hay biết bạn sẽ bị phỏng khi cầm lấy hòn sắc nóng ấy, bạn sẽ giữ chặc lấy nó và kết quả là bạn bị phỏng nặng. Tuy nhiên nếu bạn có tâm hay biết bạn sẽ bị phỏng khi cầm lấy hòn sắc nóng ấy, khi bị rơi vào tình huống bị bắt cầm hay phải cầm lấy hòn sắc nóng ấy, bạn sẽ rất dè dặt không để bị phỏng nhiều. Tương tự như thế, người làm việc bất thiện mà không có tâm hay biết sẽ có tội nhiều hơn so với người làm việc bất thiện với tâm hay biết.
Đức Vua Milinda đáp: “Thưa Ngài, người cầm lấy hòn sắc nóng với tâm không hay biết sẽ bị phỏng nặng hơn.“
Ngài Nāgasena nói: “Tương tự như thế, này Đại Vương, người làm điều bất thiện với tâm không hay biết sẽ có tội nhiều hơn.“
Đức Vua Milinda đáp: “Ngài quả là bậc đại trí.“
Tuy nhiên, đôi khi bạn phạm luật lệ, quy tắc, hay giới luật mà không hề hay biết. Điều này không tới nỗi quá tồi tệ đâu. Nhưng việc cố ý phạm giới (tức tự ý vi phạm quy tắc hay giới luật với tâm biết rõ sự tai hại của nó) cho thấy bạn không có lòng tôn kính giới luật hay người ban hành giới luật. Ví dụ như nếu tôi vi phạm một điều luật hay một điều giới tỳ khưu do Đức Phật ban hành, thì tôi không chỉ là người phá giới luật mà còn là người không có sự cung kính hay tôn trọng Đức Phật. Trong trường hợp này, việc phạm giới có sự hiểu biết (cố ý phạm giới) sẽ nghiêm trọng hơn và bất thiện nhiều hơn so với việc vô tình phạm giới (phạm giới với tâm không hay biết).
Nhưng câu trả lời của Ngài Nāgasena ở đây phải được hiểu theo một ngữ cảnh khác: khi bạn biết rõ đó là điều bất thiện (Akusala) nhưng bạn không thể tránh nó và không còn sự lựa chọn nào khác, bạn sẽ làm nó với sự dè dặt để làm giảm thiểu hậu quả của nó. Và như vậy tội lỗi sẽ được giảm thiểu. Tuy nhiên việc phạm giới luật một cách vô ý hay cố ý lại là vấn đề khác. Nếu một vị tỳ khưu cố ý phạm giới thì vị ấy có tội nặng hơn vị vô tình phạm giới, bởi vì vị ấy chẳng những phá bỏ giới luật mà còn thể hiện sự không tôn kính Đức Phật nữa.