Bây giờ chúng ta hãy cùng tìm hiểu những nguyên nhân phát sanh thọ hỷ Somanassa-sahagata. Sư sẽ lướt qua phần này nhanh. Bạn không thể tìm thấy những điều này trong quyển Cẩm Nang. Cái gì khiến cho tâm đi kèm với thọ hỷ hợp tà (Somanassa-diṭṭhigata)? Cái gì khiến cho bạn phát sanh thọ hỷ (Somanassa), hay thọ ưu (Domanassa), hay tà kiến (Diṭṭhi)? Các chú giải có trình bày những nguyên nhân này. Sư nghĩ những nguyên nhân này có thể có lợi cho các nhà tâm lý học hay bác sĩ tâm thần.
Nguyên nhân gì khởi sanh thọ hỷ (Somanassa)? Đó chính là một đối tượng bạn đang khao khát mong muốn. Khi bạn thấy đối tượng đáng khao khát, đáng hài lòng, bạn cảm thấy an vui. Chính đối tượng đáng khao khát này là điều kiện khởi sanh thọ hỷ, cảm thọ đáng hài lòng.
Một nguyên nhân khác là do có kiết sanh thức (thức nối liền) với thọ hỷ — nghĩa là đôi khi chúng ta gặp một người hầu như lúc nào cũng an vui, dường như sống an vui là một thói quen của người đó. Đó là vì anh ta được tái sanh với thọ hỷ (Somanassa), kiết sanh thức của anh ta được đi kèm với thọ hỷ (Somanassa). Những ai có kiết sanh thức đi kèm với thọ hỷ (Somanassa) thì tâm họ có khuynh hướng phát sanh thọ hỷ (cảm thọ an vui, đáng hài lòng — Somanassa) hầu hết suốt đời họ.
Nguyên nhân thứ ba phát sanh thọ hỷ là do có bản chất nông cạn. Theo quan điểm này, nếu bạn là người vui vẻ yêu đời thì không có suy nghĩ sâu sắc. Đó là bởi vì những ai có suy nghĩ sâu sắc thường không yêu đời nhiều như vậy. Một lần nọ sư viếng thăm một nơi ở Bắc Cali, sư có nói chuyện với một người đàn ông ở đó. Sư có cười với ông ta. Sau đó người đồng hành với sư hỏi ông ta “Ông đã từng gặp một tu sĩ Phật Giáo chưa?” Ông ta đáp “Chưa“. Sau đó bạn tôi nói “Ông đang nói chuyện với một tu sĩ Phật Giáo đấy.” Sau ông ta trả lời “Thế ông ta là một tu sĩ? Tôi không nghĩ các tu sĩ Phật Giáo lại cười như vậy.” Có lẽ sư không phải là người có suy nghĩ sâu sắc theo quan điểm này.
Tại sao một người có tà kiến, có khuynh hướng nắm giữ tà kiến? Một người mà tái sanh nhiều lần với tà kiến có khuynh hướng trở thành nơi trú ngụ và chấp chứa tà kiến. Do đó người đó có khuynh hướng phát sanh tà kiến.
Một nguyên nhân khác phát sanh tà kiến đó là do thân cận kết giao với những người có tà kiến. Điều này rất chí phải. Bạn có khuynh hướng giống với những người mình hay thân cận và kết giao.
Asaṅkhārika nghĩa là vô trợ. Một số người có kiết sanh thức vô trợ (Asaṅkhārika). Khi bạn tái sanh, thức tái sanh phải là vô trợ. Kiết sanh thức (thức nối liền) là một tâm quả. Nếu kiết sanh thức của bạn là vô trợ, bạn sẽ có khuynh hướng có tâm vô trợ suốt cuộc đời của mình.
Một nguyên nhân nữa là có sức khoẻ tốt – khi bạn khoẻ mạnh, bạn không cần người khác xúi giục hay khuyến khích làm điều gì đó bởi vì khi ở trạng thái khoẻ mạnh bạn tự làm điều đó.
Không bị ảnh hưởng bởi nóng lạnh – tức là bạn không quan tâm trời nóng hay lạnh. Người như vậy thường làm việc một cách tự phát. Nếu bạn nhạy cảm với lạnh và thời tiết lạnh, thì bạn phải động viên chính mình hay nhờ người khác khuyến khích hay thúc giục để làm điều gì đó. Còn nếu bạn không quan tâm nóng lạnh thì bạn sẽ làm việc một cách tự phát, tức với tâm vô trợ.
Niềm tin vào thành quả của sự tinh tấn – khi bạn có niềm tin rằng nếu ta làm điều gì đó thì sẽ gặt hái được kết quả, bạn sẽ làm điều đó mà không cần ai thúc giục.
Thiện xảo trong công việc – khi bạn quen thuộc với công việc của mình hay quen thuộc với việc làm nào đó, bạn sẽ làm nó một cách tự phát mà không cần sự thúc giục của ai khác.
Khí hậu và thực phẩm phù hợp – Thật vậy, khi thời tiết tốt, tâm chúng ta sẽ minh mẫn và an vui. Và khi có thực phẩm tốt, chúng ta sẽ có an lạc và sẽ làm việc với tâm vô trợ. Ngoài khí hậu và thực phẩm tốt, có thể còn những nguyên nhân khác nữa, nhưng trên đây là những nguyên nhân được đề cập trong các Chú Giải.
Còn về hữu trợ Sasaṅkhārika thì như thế nào? Nó trái ngược với những điều trên.
Còn đối với với thọ xả Upekkhā-sahagata, thọ trung tính thì nguyên nhân đầu tiên là các đối tượng hay cảnh trung tính. Tức là các đối tượng hay cảnh mà không có sự khao khát. Khi bạn gặp các đối tượng hay cảnh như vậy, bạn sẽ có thọ trung tính.
Nguyên nhân thứ hai là thức nối liền với thọ xả (Upekkhā). Tâm tục sanh của bạn phải đi kèm với thọ xả (Upekkhā).
Nguyên nhân thứ ba là do bạn có bản chất sâu sắc. Bạn luôn suy nghĩ sâu sắc nên bạn thường cảm thấy không thoải mái. Khi ấy bạn có thọ xả (Upekkhā) này.