LẦN KẾT TẬP PHẬT NGÔN LẦN THỨ NHẤT
Trước hết chúng ta nên tìm hiểu Phật Ngôn được lưu trữ và viết xuống như thế nào cho tới ngày hôm nay. Vào thời của Ngài, Đức Phật chỉ dạy bằng khẩu thuyết và không viết lại bất kỳ những gì Ngài dạy. Các vị đệ tử của Ngài học thuộc những lời Ngài dạy. Ba tháng sau khi Đức Phật Niết Bàn, các vị Tỳ Kheo dưới sự dẫn dắt của Ngài Mahā Kassapa (Đại Ca Diếp) đã thành lập hội đồng Phật Giáo để tiến hành cuộc kết tập Phật Ngôn. Tại cuộc kết tập lần thứ nhất này, các vị Trưởng Lão đã thu thập và trình bày tất cả nhũng lời dạy của Đức Phật. Hội đồng bao gồm 500 vị Thánh A La Hán. Tất cả những lời dạy của Đức Phật được trình bày và được xem xét một cách kỹ lưỡng. Chỉ những lời nào là lời dạy thực sự của Đức Phật thì mới được hội đồng chấp nhận. Khi các vị Trưởng Lão đã thẩm định và đồng chấp thuận thì lời dạy đó (chẳng hạn như một bài kinh) mới được đọc thuộc lòng. Đó là nguyên nhân tại sao các hội đồng này được biết đến theo tiếng Pali là Saṅgāyana hay Saṅgīti, nghĩa là được đọc thuộc lòng. Theo cách này thì các kinh điển (Suttas) và các lời dạy khác được chấp nhận. Khi đã đồng thuận với nhau, các vị A La Hán cùng nhau đọc thuộc lòng các lời dạy đó. Do đó những lời dạy của Đức Phật trong lần kết tập Tam Tạng này được thẩm định một cách kỹ lưỡng với tư cách đúng thực sự là Phật Ngôn và được các vị Thánh Tăng đọc thuộc lòng. Lần kết tập này diễn ra tại thành Vương Xá (Rājagaha), Ấn Độ.
LẦN KẾT TẬP PHẬT NGÔN LẦN THỨ HAI
Lần kết tập Phật Ngôn lần thứ hai diễn ra 100 năm sau khi Đức Phật Niết Bàn. Trước lần kết tập này có các vị Trưởng Lão có những ý kiến sai khác nhau về luật (Vinaya) Đức Phật ban hành. Họ không đồng tình với những vị khác. Do đó hội Tăng Già (Saṃgha) đã bị chia rẽ vào thời điểm đó. Nhóm còn lại được gọi là (Māhāsaṅghika). Vì vậy để gìn giữ những lời dạy Nguyên Thuỷ của Đức Phật hội Tăng Già (Saṃgha) Nguyên Thuỷ đã thành lập cuộc kết tập Tam Tạng lần thứ nhì tại Vesālī, Ấn Độ. Lần kết tập này đã trùng tuyên lại Phật Ngôn trong lần đầu tiên và không có gì thay đổi.
LẦN KẾT TẬP PHẬT NGÔN LẦN THỨ BA
Kể từ đó, các tông phái Phật Giáo khác nhau xuất hiện. Vào khoảng 200 năm sau khi Đức Phật nhập diệt, có khoảng hay thậm chí nhiều hơn 18 tông phái Phật Giáo khác nhau. Vào thời điểm đó, có những bất đồng không chỉ về giới luật mà còn về các lời dạy khác.
Tại lần kết tập Tam Tạng lần thứ ba dưới triều đại vua A Dục (Asoka) vào khoảng 234 năm sau khi Đức Phật Niết Bàn, tất cả những quan điểm khác nhau đã được xem xét. Theo truyền thống Theravāda thì những luận điểm này đều không đúng. Do đó lần kết tập Tam Tạng lần thứ ba đã diễn ra vào thời đó. Trong lần kết tập này thì bộ Kathāvatthu được thêm vào.
Chắc các bạn đã từng nghe qua Đức Vua A Dục, một vị vua rất nổi tiếng trị vì hầu hết các vùng đất Ấn Độ. Ông là nhà vua mẫu mực; ông đã từ bỏ chiến tranh khi đi chinh phục các nước khác. Ông có thể dễ dàng thâu tóm miền nam Ấn vào lãnh thổ của mình nếu muốn. Nhưng ông đã từ bỏ chiến tranh và theo con đường của giáo pháp. Cuộc kết tập tam tạng lần thứ ba được diễn ra vào thời đại của ông. Tại lần kết tập này những lời dạy của Đức Phật từ lần kết tập đầu tiên và thứ nhì được trùng tuyên lại và chỉ một chút ít được thêm vào.
LẦN KẾT TẬP PHẬT NGÔN LẦN THỨ TƯ
Kể từ thời gian đó cho tới khoảng 450 năm sau ngày Đức Phật Niết Bàn, Phật Ngôn được truyền khẩu từ các giáo thọ sư cho tới các hàng đệ tử, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó là truyền thống lưu truyền những lời dạy của Đức Phật cho tới thời điểm đó. Lúc đó cuộc kết tập tam tạng kinh điển lần thứ tư được diễn ra tại quốc đảo Tích Lan (Sri Lanka) ngay vào lúc có cuộc nổi loạn lớn. Cuộc nổi loạn diễn ra quá lớn khiến mọi người phải rời bỏ nơi ở của họ và di trú sang nơi khác. Cuộc nổi loạn này cũng gây ra rất nhiều khó khăn cho đời sống của các vị sư. Mặc dù rất khó khăn để sống sót trong hoàn cảnh như vậy, các vị vẫn gìn giữ những lời dạy của Đức Phật bằng trí nhớ của họ. Sau cuộc nổi loạn, các vị sư từ Ấn Độ đã trở lại Tích Lan. Những vị sư ở lại Tích Lan nói rằng những giai đoạn khó khăn mà họ đã trải qua có thể gây ảnh hưởng không tốt với trí nhớ của họ và do đó họ có thể không nhớ chính xác những lời dạy của Đức Phật. Chính vì vậy hai nhóm các vị sư này đã so sánh và đối chiếu những lời dạy của Đức Phật với nhau. Khi giáo lý được so sánh, họ không tìm thấy một sự khác biệt hay sai lệch nào. Sau đó các vị suy xét rằng các vị sư sau này sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc gìn giữ những lời dạy của Đức Phật bằng trí nhớ. Do đó họ quyết định viết giáo lý xuống lá buông. Đó là vào khoảng 450 năm sau ngày Đức Phật nhập diệt tại Aḷuvihāra1Nơi gần Kandy, Tích Lan., lần đầu tiên Tam Tạng Kinh Điển (Tipiṭaka) được viết xuống lá buông trong lịch sử Phật Giáo. Mặc dù lần kết tập này không được gọi chính thức là Kỳ Kết Tập Tam Tạng Kinh Điển Lần Thứ Tư, nhưng các thế hệ sau này vẫn xem lần đó như Cuộc Kết Tập Tam Tạng Lần Thứ Tư một cách chính thức. Và chúng ta cũng sẽ xem như vậy.
LẦN KẾT TẬP PHẬT NGÔN LẦN THỨ NĂM
Kế đó lần Kết Tập Tam Tạng lần thứ năm được diễn ra tại Mandalay, Miến Điện, nơi tôi sinh sống. Cuộc kết tập diễn ra dưới thời vua Mindon. Ngài là một vị vua có sự nhiệt tâm với Giáo Pháp; đức vua muốn làm việc mà chưa có một vị vua nào trước đó đã làm. Ngài muốn duy trì Giáo Pháp của Đức Phật được tồn tại lâu dài cho tới hết kiếp. Do đó đức vua quyết định viết Tam Tạng Kinh Điển (Tipiṭaka) trên các phiến đá cẩm thạch. Những phiến đá này được mô tả như một “Quyển sách lớn nhất thế giới”. Các trang của sách dày khoảng 12,7 cm, cao khoảng 167,64 cm và bề ngang khoảng 106,68 cm. Tam Tạng Kinh Điển (Tipiṭaka) được khắc trên 729 phiến đá cẩm thạch này. Mỗi phiến đá được đặt trong ngôi nhà bằng gạch. Tất cả được đặt trong ngôi chùa gần đồi Mandalay. Thật may mắn là những ngôi nhà này không có ngôi nào bị tàn phá bởi bom hay pháo đạn. Trong Thế Chiến Thứ Hai đã có những giao tranh xung quanh khu vực đó. Tuy nhiên chúng ta vẫn có thể nhìn thấy những phiến đá cẩm thạch này còn nguyên vẹn ở Mandalay. Nếu bạn có dịp thăm viếng Miến Điện, thì bạn nên tham quan những phiến đá cẩm thạch này. Lần Kết Tập Tam Tạng này được tổ chức vào khoảng năm thứ 2400 sau khi Đức Phật nhập diệt. Có khoảng 2400 vị sư tham gia cuộc Kết Tập này. Cuộc Kết Tập được diễn ra vào năm 1871 sau công nguyên.
LẦN KẾT TẬP PHẬT NGÔN LẦN THỨ SÁU
Sau vị vua đó, có một vị vua khác. Ông bị người Anh bắt và Miến Điện trở thành thuộc địa của Anh. Sau Thế Chiến Thứ Hai, Miến Điện đã giành lại độc lập vào năm 1948. Sau khi giành lại độc lập, hội Tăng Già (Saṃgha) và các nhà lãnh đạo chính trị của đất nước đã quyết định thành lập cuộc Kết Tập Tam Tạng Kinh Điển lần thứ sáu. Lần Kết Tập Tam Tạng này được xem như toàn diện nhất vì tất cả các quốc gia theo Phật Giáo Nguyên Thuỷ đều tham gia. Đại điện từ các nước Phật Giáo Đại Thừa cũng được mời tham dự cuộc kết tập này. Tôi cũng tham gia vào lần Kết Tập Tam Tạng lần thứ sáu này, nhưng tôi còn quá trẻ để được nhắc tên trong hội đồng.
Lần Kết Tập Tam Tạng Kinh Điển lần thứ sáu này được diễn ra tại Rangoon, Miến Điện. Để bắt chước lần Kết Tập Tam Tạng lần thứ nhất được diễn ra trong hang động, chính phủ Miến đã xây dựng hang nhân tạo có sức chứa 2500 vị sư. Tại nơi đó, cuộc Kết Tập Tam Tạng Kinh Điển lần thứ sáu được diễn ra. Thành quả của lần kết tập này là bộ Tam Tạng Kinh Điển (Tipiṭaka) được biên soạn và in ấn rất công phu cùng với các Chú Giải và Phụ Chú Giải. Tôi sẽ sử dụng và tham khảo những tài liệu đó trong lớp giáo lý của chúng ta.
Những lời dạy của Đức Phật được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong một số khoảng thời gian, các cuộc Kết Tập Tam Tạng Kinh Điển được thành lập. Các lần kết tập sau thật ra chỉ là sự xác nhận lại những gì mà lần kết tập đầu tiên đã chấp nhận và lưu truyền lại. Theo cách này, giáo lý của Đức Phật được lưu truyền tới thế hệ của chúng ta. Ngày nay giáo lý đã được lưu truyền tới Mỹ quốc.
- 1Nơi gần Kandy, Tích Lan.