Theo Bộ Nikāyas
Khi giáo lý của Đức Phật được tụng đọc tại lần Kết Tập Kinh Điển Lần Thứ Nhất, các vị Trưỡng Lão đã phân chia giáo lý theo những cách khác nhau. Ở đây tôi chỉ đề cập tới hai cách chia. Cách chia thứ nhất là phân loại tất cả lời dạy của Đức Phật theo năm bộ Nikāyas.
1. Trường Bộ Kinh: Tập hợp những bài kinh dài (Dīgha Nikāya).
2. Trung Bộ Kinh: Tập hợp những bài kinh trung bình (Majjhima Nikāya).
3. Tương Ưng Bộ Kinh: Tập hợp những bài kinh Đức Phật thuyết cho vài hạng thính chúng riêng biệt (Saṁyutta Nikāya).
4. Tăng Chi Bộ Kinh: Tập hợp những bài kinh xếp đặt theo từng chi pháp (Aṅguttara Nikāya) từ ít đến nhiều.
5. Tiểu Bộ Kinh: Tập hợp những bài kinh nhỏ hay những bài kinh không nằm trong các bộ trên (Khuddaka Nikāya).
Theo Piṭakas
Tất cả những lời dạy của Đức Phật được chia làm ba tạng. Ba tạng này được gọi là Tipiṭaka. Piṭaka có nghĩa những gì đã học hỏi được hay lời dạy của Đức Phật. Piṭaka còn có nghĩa là một sự chấp nhận hay “cái rỗ đựng” hay “những gì được học”. Từ Piṭaka thường được dịch là “cái rỗ đựng”. Thật ra, Kinh điển của Đức Phật được chia làm ba phần hay ba Tạng. Đó là:
- Luật Tạng
- Kinh Tạng
- Vi Diệu Tạng
Nikāyas hay Piṭakas thật ra chỉ là hai cách phân chia Phật Ngôn khác nhau. Rất nhiều người hiểu lầm rằng các bộ hay Nikāya chỉ là những “Phân Tạng” hay “Tiểu Tạng” nằm trong Tạng Kinh Piṭakas. Nhưng điều đó không đúng. Thật ra mỗi bài kinh Phật trong kinh điển Pāḷi đều thuộc về một tạng Piṭaka cụ thể và một bộ Nikāya cụ thể.
Ba bộ Nettippakaraṇa (Cẩm Nang Học Phật), Peṭakopadesa (Ngạ Quỷ Sự), và Milindapañha (Mi Tiến Vấn Đáp) không được đề cập trong tạng luật (Vinaya) và Chú Giải Trường Bộ Kinh (Dīgha Nikāya) như một phần của kinh điển. Đó là lý do tại sao một số người không đưa chúng vào kinh điển Pāḷi nhưng ở Miến Điện những bộ này được đưa vào trong kinh điển Pāḷi. Chúng được đưa vào lần kết tập Tam Tạng Kinh Điển lần thứ năm và lần thứ sáu. Về bộ Kathāvatthu mà chúng ta có ngày nay được thêm vào tại lần kết tập Tam Tạng Kinh Điển lần thứ ba. Bạn có thể tham khảo Expositor để biết chi tiết về bộ này.
Có một câu Pāḷi được tìm thấy trong chú giải tạng luật (Vinaya Commentary) và chú giải tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma Commentary) như sau:
“Ṭhapetvā caturo p`ete, Nikāya Dīgha-ādike,
Ta-d-aññaṃ Buddhavacanaṃ, Nikāyo Khuddako mato.”
Câu này nghĩa là “Những lời dạy còn lại của Đức Phật ngoài bốn bộ Nikāyas (Trường Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh, Tương Ưng Bộ Kinh, Tăng Chi Bộ Kinh) đều thuộc về Khuddaka Nikāya, Tiểu Bộ Kinh”. Điều lạ lùng là cả Tạng Luật (Vinaya Piṭaka) và Tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma Piṭaka) đều nằm trong Khuddaka Nikāya, Tiểu Bộ Kinh. Khuddaka Nikāya, Tiểu Bộ Kinh nghĩa là những bài kinh ngắn, nhưng Tạng Vi Diệu Pháp và Tạng Luật không hề ngắn mà lại được xếp vào Khuddaka Nikāya, Tiểu Bộ Kinh. Sự phân chia Phật Ngôn theo bộ Nikāyas và theo tạng Piṭakas là hai cách phân chia khác nhau. Các bộ Nikāyas không nằm trong tạng Piṭakas. Bộ môn Vi Diệu Pháp mà chúng ta sắp học đây thuộc về bộ Nikāya, Khuddaka Nikāya Tiểu Bộ Kinh, hay thuộc về Piṭaka, Tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma Piṭaka).