Bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu nghiã của từ ‘Abhidhamma’ (Vi Diệu Pháp). Từ này gồm có hai phần – ‘Abhi’ và ‘Dhamma’. Từ ‘Abhi’ ở đây nghĩa là vi diệu hay nổi bật; ‘Dhamma’ nghĩa là lời dạy. Do đó ‘Abhidhamma’ nghĩa là lời dạy vi diệu hay nổi bật. Vi diệu không có nghĩa là những lời dạy trong Vi Diệu Tạng (Abhidhamma Piṭaka) tốt hơn hay cao thượng hơn những lời dạy trong Kinh Tạng (Sutta Piṭaka). Điểm khác nhau giữa những lời dạy trong Kinh Tạng (Sutta Piṭaka) và Vi Diệu Tạng (Abhidhamma Piṭaka) là ở cách thức trình bày. Những lời dạy của Đức Phật trong Kinh Tạng và Vi Diệu Tạng là như nhau. Bạn sẽ thấy cùng giáo pháp (Dhamma) và cùng đối tượng trong Kinh Tạng và Vi Diệu Tạng. Nhưng giáo pháp trong Vi Diệu Tạng được phân tích một cách tỉ mỉ. Chúng vi tế và sâu sắc hơn những lời dạy trong Kinh Tạng (Sutta Piṭaka) về phương diện giác ngộ.
Chúng ta hãy lấy ví dụ về ngũ uẩn. Tôi hy vọng các bạn quen thuộc khái niệm ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, và thức) do Đức Phật giảng dạy. Chúng ta được cấu tạo bởi năm uẩn này. Hầu hết tất cả chúng sanh bị cấu tạo bởi năm uẩn. Năm uẩn này được trình bày trong Tương Ưng Bộ Kinh (Saṁyutta Nikāya) chỉ trong một trang nhưng lại được trình bày trong quyển thứ hai của Vi Diệu Pháp trong 68 trang. Ta có 68 trang so với 1 trang. Như vậy ta thấy sự khác nhau về cách trình bày giữa Kinh Tạng (Sutta Piṭaka) và Vi Diệu Tạng (Abhidhamma Piṭaka). Trong Kinh Tạng Đức Phật có thể giải thích năm uẩn rõ hơn một chút nhưng không được toàn diện và đầy đủ như Vi Diệu Tạng. Trong Vi Diệu Tạng, đặc biệt là bộ Vibhaṅga (Bộ Phân Tích), ngũ uẩn được giải thích theo kinh (Sunttanta), theo Abhidhamma và theo cách vấn đáp. Thật ra những gì được biết về ngũ uẩn được trình bày trong Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), chứ không ở trong Kinh Tạng (Suttanta Piṭaka). Đó là lí do tại sao tạng này được gọi là Vi Diệu Pháp (Abhidhamma). Chúng chỉ khác nhau về phương thức trình bày chứ không khác nhau về mặt nội dung và giáo lý. Bạn sẽ thấy năm uẩn cũng như Tứ Diệu Đế được trình bày trong Tạng Kinh (Suttas) và Vi Diệu Pháp (Abhidhamma).