WikiDhamma

Thư Viện Nghiên Cứu Phật Giáo


Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, 
Bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa

Ja 303 Chuyện Ekarāja

Chuyện Tiền Thân Đức Thế Tôn
Jātaka

Chương Bốn
Catukkanipāta

Phẩm Kāliṅga
Kāliṅgavagga

Ja 303 Ekarājajātaka

Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một cận thần của vua sứ Kosala.

Các tình tiết đưa đến câu chuyện đã được kể trong số 282, Tiền thân Seyyamsa. Lần này bậc Ðạo Sư dạy:

– Ông chẳng phải là người duy nhất tạo được cái tốt từ trong cái xấu, các trí giả ngày xưa cũng đã tạo được cái tốt từ trong cái xấu.

Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.

*

Ngày xưa, một quan cận thần của vua xứ Ba-la-nại phạm tà hạnh trong hậu cung của vua. Sau khi chính mắt chứng kiến lỗi lầm của ông, vua đuổi ông ra khỏi vương quốc. Ông ta đã đầu phục vua xứ Kosala tên là Dabbasena như thế nào, tất cả đều đã được kể trong số 51, Tiền thân Mahāsilava.

Nhưng trong chuyện này, Dabbasena bắt vua xứ Ba-la-nại khi vua đang ngồi trên ngai, giữa đám triều thần, rồi trói ngài và treo ngược đầu bằng một sợi dây mắc vào thanh cửa. Vua vẫn phát triển lòng từ đối với ông vua phản nghịch kia và nhờ định lực tinh tấn, ngài nhập trạng thái thiền định, làm bung các dây trói và ngồi tréo chân trên không. Ông vua phản loạn bị tấn công bởi cơn đau đốt cháy cả thân xác, lăn lộn trên đất và la:

– Ta bị đốt cháy, ta bị đốt cháy.

Khi ông hỏi các triều thần tại sao như thế thì họ trả lời:

– Ðó là vì ông vua mà ngài treo ngược đầu xuống bằng một sợi dây mắc ở thanh cửa kia là một người vô tội và là một bậc Hiền Trí.

Vua liền phán:

– Hãy thả vua ấy ra nhanh lên.

Quân hầu đến đó và thấy vua ấy đang ngồi tréo chân trên không, liền trở về kể lại cho vua Dabbasena. Thế là vua này vội vã chạy đến cúi mình xin lỗi vị vua kia và đọc bài kệ đầu:

“Hỡi Ekarāja,
Hưởng thọ dục tối thượng,
Dẫu cho bị giam cầm,
Sắc, lực vẫn như xưa.”
“Anuttare kāmaguṇe samiddhe,
Bhutvāna pubbe vasī ekarāja;
So dāni dugge narakamhi khitto,
Nappajjahe vaṇṇabalaṁ purāṇaṁ”.

Nghe thế, Bồ-tát đọc tiếp các bài kệ còn lại:

“Hỡi Dabbasena,
Nhẫn nại và khổ hạnh,
Trước kia, ta mong cầu,
Giờ ta đạt ý nguyện,
Sao sắc, lực mất đi.
“Pubbeva khantī ca tapo ca mayhaṁ,
Sampatthitā dubbhisena ahosi;
Taṁ dāni laddhāna kathaṁ nu rāja,
Jahe ahaṁ vaṇṇabalaṁ purāṇaṁ.

Quả thật là như vậy,
Ta làm tròn bổn phận,
Có danh xưng, có trí,
Đại nguyện trước chưa đạt,
Sao sắc, lực mất đi.
Sabbā kirevaṁ pariniṭṭhitāni,
Yasassinaṁ paññavantaṁ visayha;
Yaso ca laddhā purimaṁ uḷāraṁ,
Nappajjahe vaṇṇabalaṁ purāṇaṁ.

Hạnh phúc trong đau khổ,
Đau khổ trong hạnh phúc,
Chịu đựng điều khó chịu,
Bậc trí, tâm an tịnh,
Hạnh phúc, khổ như nhau.”
Panujja dukkhena sukhaṁ janinda,
Sukhena vā dukkhamasayhasāhi;
Ubhayattha santo abhinibbutattā,
Sukhe ca dukkhe ca bhavanti tulyā”ti.

Ekarājajātakaṁ tatiyaṁ.

Nghe kệ xong, Dabbasena xin Bồ-tát tha thứ và thưa:

– Xin ngài hãy trị dân của chính ngài và tôi sẽ đánh đuổi bọn phiến loạn nghịch chống ngài.

Sau khi trừng phạt ông quan gian ác kia, vua Dabbasena trở về xứ. Nhưng Bồ-tát lại trao vương quốc cho các đại thần rồi sống đời khổ hạnh của một ẩn sĩ và sau đó tái sinh vào cõi Phạn thiên.

*

Khi bậc Ðạo Sư kể xong Pháp thoại này, Ngài nhận diện Tiền thân:

– Bấy giờ Ānanda là Dabbasena, còn Ta là vua xứ Ba-la-nại.