WikiDhamma

Thư Viện Nghiên Cứu Phật Giáo


Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, 
Bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa

Ja 305 Chuyện Thử Thách Giới Đức

Chuyện Tiền Thân Đức Thế Tôn
Jātaka

Chương Bốn
Catukkanipāta

Phẩm Kāliṅga
Kāliṅgavagga

Ja 305 Sīlavīmaṁsanajātaka

Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ-Viên về sự chê trách tội lỗi.

Các tình tiết sẽ được kể trong số 459. Tiền thân Pānīya, trong Chương Mười một. Sau đây là phần tóm tắt.

Năm trăm Tỷ-kheo sống ở Kỳ Viên, gần đến lúc nửa đêm hôm ấy, đi sâu vào cuộc thảo luận về dục lạc. Bấy giờ bậc Ðạo Sư vẫn luôn luôn trông chừng các Tỷ-kheo suốt sáu thời khắc của đêm ngày, giống như kẻ chột cẩn thận giữ gìn con mắt còn lại của mình, như người cha chăm sóc đứa con một, như con trâu rừng giữ kỹ cái đuôi của nó. Giữa đêm khuya, do thiên nhãn Ngài quan sát khắp Kỳ Viên và chứng kiến việc các Tỷ-kheo bàn thảo kia; tựa như bọn cướp đã tìm thấy lối vào cung điện của một đại vương, Ngài mở cửa Hương phòng, gọi Ānanda và sai ông họp các Tỷ-kheo trong Tinh xá trên con đường lát vàng (tức Kỳ Viên) và bảo dọn cho Ngài một chỗ ngồi trước Hương phòng. Tôn giả Ānanda làm theo lời dạy rồi báo cho Ngài hay. Bấy giờ, bậc Ðạo Sư ngồi vào chỗ ngồi đã chọn sẵn, bảo các Tỷ-kheo họp lại rồi dạy:

– Này các Tỷ-kheo, các trí giả ngày xưa nghĩ rằng không thể che dấu hành động sai trái và vì vậy họ cố tránh làm điều xấu.

Rồi Ngài kể cho họ một chuyện đời xưa.

*

Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn. Khi lớn lên, ngài được một vị thầy nổi danh thiên hạ trú trong thành phố ấy dạy dỗ. Ngài đứng đầu số năm trăm học trò. Bấy giờ ông thầy ấy có một con gái đã đến tuổi dậy thì, ông ta nghĩ: “Ta sẽ thử đức hạnh của các thanh niên này, ta sẽ gả con gái ta cho kẻ nào có đức hạnh cao nhất”.

Một hôm, ông bảo các học trò:

– Này các con, ta có một con gái mới lớn, ta muốn kén chồng cho nó, nhưng ta phải có quần áo đẹp và đồ trang sức thích hợp cho nó. Các con hãy lấy cắp vài thứ ấy mà đừng cho các người khác biết rồi mang đến cho ta. Khi nào không ai trông thấy thì ta sẽ nhận, còn nếu các con mang món đồ bị người ta trông thấy thì ta sẽ từ chối.

Các học trò đều đồng ý và nói:

– Tốt lắm.

Thế là từ hôm ấy, họ lấy cắp quần áo, đồ trang sức mà người khác không biết rồi mang đến cho thầy. Ông sắp xếp các thứ mà mỗi người mang đến ở từng nơi riêng biệt. Về phần Bồ-tát, ngài chẳng lấy cắp thứ gì cả.

Thấy thế, ông thầy bảo:

– Còn con, con chẳng mang đến gì cho ta ư?

Ngài đáp:

– Thưa thầy, đúng thế.

Thầy hỏi:

– Sao thế con?

Ngài trả lời:

– Nếu lấy đồ vật mà không kín đáo thì thầy không nhận. Nhưng con thấy rằng không thể nào che giấu hành động xấu của mình được.

Và để chứng minh chân lý này, ngài đọc hai bài kệ sau đây:

“Thế gian không chỗ kín,
Cho người hành ác hạnh,
Kẻ ngu tưởng kín đáo,
Không qua mắt Thần cây.
“Natthi loke raho nāma,
pāpakammaṁ pakubbato;
Passanti vanabhūtāni,
taṁ bālo maññatī raho.

Con không thấy nơi nào,
Kín đáo hay trống trãi,
Dẫu nơi chẳng có ai,
Nhưng chính con ở đó.”
Ahaṁ raho na passāmi,
suññaṁ vāpi na vijjati;
Yattha aññaṁ na passāmi,
asuññaṁ hoti taṁ mayā”.

Ông thầy rất bằng lòng với lời lẽ ấy, liền bảo:

– Này con, nhà ta không thiếu của cải, nhưng ta muốn gả con gái ta cho một người có đức hạnh và ta đã làm như thế để thử các thanh niên ấy. Bây giờ chỉ có con là xứng đáng với con gái ta.

Thế rồi ông trang sức cho con gái và đem gả cho Bồ-tát, còn với những người kia ông bảo:

– Hãy lấy lại mọi thứ mà các con đã mang đến cho ta và đưa về nhà của các con đi.

*

Sau đó, bậc Ðạo Sư dạy:

– Này các Tỷ-kheo, thế đấy, những người học trò xấu kia vì tính không thật thà đã không lấy được cô thiếu nữ ấy, trong khi chàng trai trẻ hiền trí kia, do đức hạnh tốt, đã lấy được nàng làm vợ.

Rồi ngài đọc bài kệ khác:

“Dujjacca, Nanda,
Sujacca, Vejja,
Sukhavacchaka,
Addhuvasīla,
Vì muốn giành chiến thắng,
Giới hạnh, chúng từ bỏ.
“Dujjacco ca sujacco ca,
nando ca sukhavaḍḍhito;
Vejjo ca addhuvasīlo ca,
te dhammaṁ jahu matthikā.

Hỡi này, Bà-la-môn,
Tại sao phải từ bỏ,
Các pháp đến bờ kia,
Pháp ấy người gìn giữ,
Chân thật, không lay chuyển.”
Brāhmaṇo ca kathaṁ jahe,
sabbadhammāna pāragū;
Yo dhammamanupāleti,
dhitimā saccanikkamo”ti.

Sīlavīmaṁsanajātakaṁ pañcamaṁ.

*

Sau khi chấm dứt bài thuyết giảng trang trọng này, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết Tứ Ðế và ở các phần kết thúc về Tứ Ðế, năm trăm vị Tỷ-kheo kia đạt được Thánh quả.

Bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:

– Lúc bấy giờ, Xá-lợi-phất là người thầy, còn chính Ta là chàng trai trẻ tuổi hiền trí kia.