Chuyện Tiền Thân Đức Thế Tôn
Jātaka
Chương Bốn
Catukkanipāta
Phẩm Kāliṅga
Kāliṅgavagga
Ja 307 Palāsajātaka
Bậc Ðạo Sư lúc sắp diệt độ đã kể chuyện này về Trưởng lão Ānanda.
Tôn giả Ānanda biết rằng ngay trong đêm ấy, bậc Ðạo Sư sẽ diệt độ bèn tự bảo: “Ta còn phải giữ giới luật, còn nhiều công hạnh phải thực hiện. Bậc Ðạo Sư chắc chắn sẽ diệt độ rồi. Ta sẽ biết nương tựa vào ai”. Tràn ngập sầu bi, Trưởng lão gục vào then cửa có chạm hình đầu khỉ của phòng chứa đồ trong vườn và khóc nức nở.
Bậc Ðạo Sư thấy vắng Ānanda liền hỏi các Tỷ-kheo vị ấy ở đâu. Sau khi nghe thuật lại, Ngài gọi vị ấy vào và bảo:
– Này Ānanda, ông đã tích trữ cả một kho công đức. Hãy tiếp tục tinh cần rồi ông sẽ được thoát khỏi khổ đau trong đời. Chớ nên sầu bi.
Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra mang hình hài của một Thần cây Giềng Giềng. Bấy giờ, dân chúng ở Ba-la-nại rất sùng kính các vị thần như thế và vẫn thường đến cúng kiến.
Một người Bà-la-môn nghèo khó kia tự nghĩ: “Ta cũng sẽ đi cúng bái thần linh”. Rồi ông ta tìm được một cây Giềng Giềng lớn mọc trên chỗ đất cao. Ông rải sỏi đá rồi quét tước xung quanh, săn sóc rễ cây sạch sẽ, nhổ cỏ … Ông dâng cúng một tràng đủ năm loại hoa thơm rồi đốt một cây nến làm lễ dâng hương hoa. Sau khi cung kính dâng thánh lễ, ông nói:
– Mong ngài được an bình.
Rồi ông bỏ đi. Ngày hôm sau ông lại đến thật sớm và ân cần chúc hỏi.
Một hôm, Thần cây chợt nghĩ: “Người Ba-la-môn này chăm sóc ta rất kỹ lưỡng. Ta sẽ thử lòng ông ta và tìm xem tại sao ông ta tôn kính ta rồi sẽ ban cho ông điều ước muốn của ông”. Thế là khi người Bà-la-môn ấy đến quét tước quanh gốc rễ cây, Thần liền hóa thành một Bà-la-môn lớn tuổi đứng gần đó và đọc bài kệ đầu:
“Hỡi này Bà-la-môn,
Biết rõ cây giềng giềng,
Không nghe, không hay biết,
Luôn chăm sóc tinh cần,
Hỏi han, vì do đâu?”
“Acetanaṁ brāhmaṇa assuṇantaṁ,
Jāno ajānantamimaṁ palāsaṁ;
Āraddhaviriyo dhuvaṁ appamatto,
Sukhaseyyaṁ pucchasi kissa hetu”.
Nghe thế, người Bà-la-môn ấy trả lời bằng bài kệ thứ hai:
“Từ lâu đã nghe nói,
Chỗ nào có cây lớn,
Chỗ ấy Chư Thiên ngự,
Chính vì lý do đó,
Tôi kính cây Giềng Giềng,
Chư Thiên ở chỗ nào,
Chỗ ấy có Tài Sản.”
“Dūre suto ceva brahā ca rukkho,
Dese ṭhito bhūtanivāsarūpo;
Tasmā namassāmi imaṁ palāsaṁ,
Ye cettha bhūtā te dhanassa hetu”.
Vị Thần cây nghe thế rất bằng lòng về ông ta liền bảo:
– Này Bà-la-môn, ta sinh ra là vị Thần của cây này. Ðừng sợ ta, ta sẽ cho người kho tàng ấy.
Và để làm an lòng ông, Thần thể hiện thần lực, đứng lơ lửng trên không tại cổng vào lâu đài của mình và đọc thêm hai bài kệ:
“Hỡi này, Bà-la-môn,
Ta thấy việc ông làm,
Biết ơn, tùy năng lực,
Đến gần bậc hiền trí,
Xem thực hư thế nào?
Lo sợ chỉ vô ích.
“So te karissāmi yathānubhāvaṁ,
Kataññutaṁ brāhmaṇa pekkhamāno;
Kathañhi āgamma sataṁ sakāse,
Moghāni te assu pariphanditāni.
Bất cứ loại cây nào,
Mun, sung, cây cao hơn,
Chỗ tế đàn trước kia,
Xung quanh gốc to lớn,
Kho báu chôn ở đó,
Bởi không kẻ thừa tự,
Hãy đến mà mang đi.”
Yo tindukarukkhassa paro pilakkho,
Parivārito pubbayañño uḷāro;
Tassesa mūlasmiṁ nidhi nikhāto,
Adāyādo gaccha taṁ uddharāhī”ti.
Palāsajātakaṁ sattamaṁ.
Ngoài ra, Thần còn nói thêm:
– Này Bà-la-môn, nếu người phải đào kho tàng lên và mang theo thì người sẽ vất vả quá. Vậy hãy ra đi trước, rồi ta sẽ mang kho tàng về nhà người và để tại chỗ kia. Thế là người được hưởng kho báu ấy suốt đời; hãy bố thí và hãy giữ tròn đạo hạnh.
Sau khi khuyên dụ người Bà-la-môn như thế, vị Thần cây liền thực hiện thần lực chuyển kho tàng vào trong nhà của người ấy.
*
Bậc Ðạo Sư chấm dứt bài thuyết giảng và nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, Ānanda là người Bà-la-môn, còn Ta là vị Thần cây.