Chuyện Tiền Thân Đức Thế Tôn
Jātaka
Chương Bốn
Catukkanipāta
Phẩm Cây Neem
Pucimandavagga
Ja 319 Tittirajātaka
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Tinh Xá Badarka gần Kosambī về Trưởng lão Rāhula (La-hầu-la).
Câu chuyện mở đầu đã được kể đầy đủ trong Chương Một số 16. Tiền thân Tipallattha. Bấy giờ ở trong Pháp đường, các Tỷ-kheo đang ca ngợi Tôn giả La-hầu-la, bảo rằng Tôn giả rất tinh cần, cẩn trọng, nhẫn nhục. Bậc Ðạo Sư bước vào và khi nghe kể lại đề mục luận bàn của các Tỷ-kheo, Ngài dạy:
– Không phải chỉ nay mà xưa cũng thế, La-hầu-la đã có các đức tính này.
Rồi Ngài kể cho họ nghe một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn. Khi lớn lên, ngài theo đuổi các học nghệ tại Takkasilā rồi ngài từ bỏ cuộc đời, sống đời khổ hạnh trong vùng Tuyết Sơn và tu tập các Thắng trí và các Thiền chứng. Ngài thọ hưởng hạnh phúc của Thiền định, sống trong một khu rừng tịnh lạc. Sau đó, ngài đến một làng ở biên địa để kiếm muối và giấm. Nhiều người khi trông thấy ngài đã trở thành các tín đồ, họ dựng cho ngài một túp lều lá ở trong rừng và cung cấp cho ngài đủ mọi vật dụng cần thiết của một người tu hành rồi làm cho ngài một ngôi nhà ở nơi ấy.
Bấy giờ, một người bẫy chim trong làng ấy bắt được một con chim Ða đa mồi, bỏ nó vào trong một cái lồng và luyện tập, săn sóc nó cẩn thận. Ông ta mang nó vào rừng để cho nó kêu lên nhử các con đa đa khác đến gần. Con Ða đa tự nghĩ: “Do ta mà đồng loại phải lâm vào cái chết. Về phần ta đây là một hành vi ác độc”. Vì thế nó cứ lặng thinh không kêu nữa. Khi chủ nó thấy nó cứ lặng thinh liền lấy một miếng tre đập vào đầu nó. Con Ða đa bị đau quá phải kêu lên. Thế là người bẫy chim cứ sinh sống bằng cách dùng nó để nhử các con Ða đa khác.
Rồi con Ða đa lại nghĩ: “Ừ, dẫu chúng nó có chết đi, về phần ta, ta không hề có ý định xấu. Nhưng những hậu quả xấu do hành động của ta có tác dụng đến ta không? Khi ta lặng thinh thì chúng không đến, khi ta kêu lên thì chúng đến. Và hễ con nào đến đều bị người kia bắt và giết chết. Về phần ta, hành động như thế là có tội hay không có tội?”
Từ đó ý nghĩ độc nhất của con Ða đa là: “Ai chính là kẻ có thể giải quyết mối nghi của ta?” Thế là nó cứ tìm kiếm khắp nơi một bậc trí giả để giải quyết mối nghi ấy.
Một hôm người bẫy chim bẫy được một số đa đa bỏ đầy giỏ rồi đến căn lều của Bồ-tát xin một ngụm nước. Ông ta đặt lồng chim xuống bên cạnh Bồ-tát uống nước rồi nằm dưới đất và lăn ra ngủ. Thấy người ấy ngủ, con Ða đa tự nghĩ: “Ta sẽ hỏi vị ẩn giả này về mối nghi của ta, nếu ngài biết, ngài sẽ giải quyết nỗi khó khăn của ta”. Thế là nằm trong lồng, bằng hình thức một câu hỏi, nó đọc lên bài kệ đầu:
“Tôi sống thật sung sướng,
Nhận đầy đủ thức ăn,
Tôi gặp cảnh khó khăn,
Phận tương lai thế nào?”
“Susukhaṁ vata jīvāmi,
labhāmi ceva bhuñjituṁ;
Paripanthe ca tiṭṭhāmi,
kā nu bhante gatī mama”.
Bồ-tát đọc bài kệ thứ hai để giải quyết câu hỏi:
“Tâm ngươi không si mê,
Không hướng tới việc ác,
Này chim chớ nên lo,
Không làm uế nhiễm phước.”
“Mano ce te nappaṇamati,
pakkhi pāpassa kammuno;
Abyāvaṭassa bhadrassa,
na pāpamupalimpati”.
Ða đa nghe thế liền đọc bài kệ thứ ba:
“Nhiều kẻ rủ đến coi,
‘Xem thân quyến ta kìa’,
Phạm vào Nghiệp hỗ trợ,
Làm tâm tôi hoài nghi.”
“Ñātako no nisinnoti,
bahu āgacchate jano;
Paṭicca kammaṁ phusati,
tasmiṁ me saṅkate mano”.
Nghe Bồ-tát đọc bài kệ thứ tư:
“Tâm không có hướng tà,
Dầu chỉ là chút ít,
Không phạm nghiệp hỗ trợ,
Vì vậy chớ nên lo,
Ác làm uế nhiễm phước.”
“Na paṭicca kammaṁ phusati,
mano ce nappadussati;
Appossukkassa bhadrassa,
na pāpamupalimpatī”ti.
Tittirajātakaṁ navamaṁ.
Bậc Ðại sĩ an ủi con chim Ða đa như vậy. Và nhờ ngài con chim ấy không còn bị ray rứt ân hận nữa. Thế rồi, người bẫy chim thức dậy, chào Bồ-tát và xách lồng ra đi.
*
Khi bậc Ðạo Sư thuyết giảng xong, Ngài nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ, La-hầu-la là con Ða đa, còn Ta là vị ẩn giả kia.