WikiDhamma

Thư Viện Nghiên Cứu Phật Giáo


Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, 
Bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa

Ja 320 Chuyện Dễ Cho

Chuyện Tiền Thân Đức Thế Tôn
Jātaka

Chương Bốn
Catukkanipāta

Phẩm Cây Neem
Pucimandavagga

Ja 320 Succajajātaka

Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một người chủ đất nọ.

Một hôm ông ta cùng với vợ đến làng kia để đòi một món nợ. Ông lấy một chiếc xe xứng với ông và đem gửi xe cho một gia đình kia định rằng sau này sẽ đến lấy. Trên đường về Xá-vệ, hai vợ chồng thấy một trái núi. Người vợ hỏi ông ta:

– Giả như trái núi này biến thành toàn vàng, chàng có cho em một ít không nào?

Ông ta trả lời:

– Cô là cái thứ gì? Tôi chẳng cho cô mảy may nào đâu!

Nàng kêu lên:

– Ôi chàng thật là một kẻ có lòng sắt đá. Dù trái núi trở thành vàng ròng, chàng cũng chẳng cho ta một tí ti nào.

Thế là nàng rất buồn nản.

Khi đến gần Kỳ Viên, họ cảm thấy khát nước nên vào Tinh xá xin một ít nước để uống. Vào chiều hôm ấy, bậc Ðạo Sư thấy rằng họ có khả năng được giải thoát. Ngài ngồi trong Hương phòng chờ họ đến và phóng hào quang sáu sắc của đức Phật. Sau khi đã thỏa cơn khát, hai vợ chồng đến hầu bậc Ðạo Sư, kính cẩn đảnh lễ Ngài rồi ngồi xuống. Sau những lời ân cần thăm hỏi thường lệ, bậc Ðạo Sư hỏi họ từ đâu lại.

– Bạch Thế tôn, chúng con đi đòi nợ về đây.

Ngài dạy:

– Này nữ cư sĩ, Ta mong rằng chồng bà muốn bà được lợi ích và sẵn sàng tỏ lòng tốt đối với bà.

Nàng thưa:

– Bạch Thế Tôn, con rất yêu chàng nhưng chàng chẳng có chút tình nào với con cả. Hôm nay khi trông thấy một trái núi, con hỏi chàng: Giả như trái núi kia toàn bằng vàng ròng, chàng có cho em một ít không? Chàng đáp: Cô là cái thứ gì? Tôi chẳng cho cô mảy may nào đâu! Chàng quả là có tấm lòng sắt đá!

Bậc Ðạo Sư dạy:

– Này nữ cư sĩ, ông ấy bảo như thế, nhưng nếu ông nhớ lại đức hạnh của bà thì ông sẵn sàng trao cho bà quyền thế cao nhất.

– Bạch Thế Tôn, xin Ngài giảng điều ấy cho chúng con.

Họ kêu lên và do yêu cầu của họ, Ngài kể một chuyện quá khứ.

*

Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát là đại thần của vua, phục vụ vua mọi việc đắc lực.

Một hôm vua thấy thái tử bấy giờ đang là phó vương đến tỏ lòng cung tôn đối với mình thì tự nghĩ: “Anh chàng này có thể hại ta nếu nó gặp cơ hội thuận tiện”. Vì thế vua gọi thái tử lại và bảo:

– Chừng nào ta còn sống, con không được ở lại kinh đô này. Hãy đi sống ở một nơi nào đó rồi đến khi ta chết thì hãy về trị vì vương quốc.

Thái tử thuận theo điều kiện ấy. Chàng từ biệt vua cha rồi cùng với người vợ chánh rời khỏi Ba-la-nại. Khi đến một làng ở biên thùy, chàng tự dựng một túp lều lá trong một khu rừng rồi ở đó, sinh sống bằng rễ và trái cây rừng. Chẳng bao lâu nhà vua chết đi. Vị phó vương trẻ tuổi kia, quan sát tinh tú biết rằng vua cha đã chết. Và trên đường về Ba-la-nại, hai vợ chồng trông thấy một trái núi. Người vợ nói với chàng:

– Thưa trượng phu, giả sử trái núi kia biến thành vàng ròng, chàng có cho em một ít không?

– Cô là cái thứ gì chứ? chàng la lớn – Ta chẳng cho cô một tí ti nào đâu!

Nàng tự nghĩ: “Ta đã yêu thương chàng như thế, đã vào sống trong khu rừng kia và không hề có tâm từ bỏ chàng, thế mà nay chàng nói với ta như thế. Chàng thực là một kẻ lòng dạ sắt đá. Nếu chàng làm vua, chàng sẽ làm gì tốt cho ta chứ?” Rồi nàng sầu muộn cả lòng.

Khi đến Ba-la-nại, người chồng được tôn lên làm vua, chàng phong cho vợ lên làm chánh hoàng hậu. Vua chỉ cho nàng chức vụ trên danh nghĩa mà thôi chứ chẳng tỏ ra kính trọng hay trao vinh dự cho nàng, cũng chẳng đoái hoài đến sự có mặt của nàng nữa.

Bấy giờ Bồ-tát tự nghĩ: “Hoàng hậu vốn là người vợ tận tụy của vua, chẳng kể khổ cực, sống cùng ngài ở nơi hoang vu vắng vẻ. Thế mà vua không nghĩ đến điều đó, cứ vui thú với những phụ nữ khác . Nhưng ta sẽ mang lại chức quyền cao nhất cho hoàng hậu”.

Nghĩ như vậy, một hôm ngài đến chào hoàng hậu và nói:

– Tâu hoàng hậu, chúng thần chẳng hề được lệnh bà cho một miếng cơm nào cả. Tại sao lệnh bà lại có lòng dạ cứng cỏi, quá hững hờ với chúng thần như vậy?

Hoàng hậu đáp:

– Này khanh ơi, nếu ta có nhận thứ gì thì ta mới cho khanh được, nhưng ta không được gì cả thì lấy chi mà cho khanh chứ? Ðức vua ban cho ta thứ gì nào? Trên đường về đây, ta đã hỏi ngài: Nếu trái núi kia toàn bằng vàng ròng thì chàng sẽ cho em gì nào? Thì ngài trả lời: Cô là cái thứ gì, ta sẽ chẳng cho cô gì đâu!

Bồ-tát nói:

– Ðược rồi, lệnh bà có thể lặp lại chuyện này trước mặt đức vua không?

– Khanh ơi, sao lại không chứ? Hoàng hậu đáp.

Bồ-tát nói:

– Thế thì khi đứng chầu đức vua, thần sẽ hỏi, lệnh bà sẽ trả lời như thế nhé.

– Ðồng ý. Hoàng hậu trả lời.

Thế là khi Bồ-tát đến chầu vua, và tỏ lòng kính cẩn đối với vua, ngài hỏi hoàng hậu:

– Tâu lệnh bà, sao chúng thần chẳng được tự tay lệnh bà cho thứ gì cả?

Hoàng hậu đáp:

– Này khanh, ta đây có nhận được gì thì ta mới cho khanh chứ. Nhưng xem kìa, đức vua có thể cho ta gì nào? Khi ngài và ta ở trong rừng ra và trông thấy một trái núi, ta hỏi ngài: Nếu trái núi kia toàn bằng vàng ròng, thì chàng có cho em một ít không? Ngài đáp: Cô là cái thứ gì? Ta chẳng cho cô một chút gì cả! Khi nói như thế, ngài từ chối cả những thứ dễ cho.

Ðể nêu rõ điều ấy, hoàng hậu đọc bài kệ đầu:

“Vua không cho chút ít,
Dẫu ngọn Núi bằng lời,
Một chút cũng không cho,
Người vậy, cho cái gì?”
“Succajaṁ vata naccaji,
vācāya adadaṁ giriṁ;
Kiṁ hitassa cajantassa,
vācāya adada pabbataṁ”.

Nghe thế vua đọc bài kệ thứ hai:

“Nên nói điều làm được,
Không làm được không nói,
Bậc có trí biết rõ,
Người nói mà không làm.”
“Yañhi kayirā tañhi vade,
yaṁ na kayirā na taṁ vade;
Akarontaṁ bhāsamānaṁ,
parijānanti paṇḍitā”.

Hoàng hậu nghe thế, chấp hai tay đưa lên tỏ lòng kính cẩn và đọc bài kệ thứ ba:

“Thái tử, bậc đáng kính,
An trú Pháp chân thật,
Tâm vui thích chân thật,
Dù lâm vào bất hạnh.”
“Rājaputta namo tyatthu,
sacce dhamme ṭhito casi;
Yassa te byasanaṁ patto,
saccasmiṁ ramate mano”.

Sau khi nghe hoàng hậu chúc tụng vua, Bồ-tát liền nêu lên các đức hạnh của bà và đọc bài kệ thứ tư:

“Dẫu chồng giàu hay nghèo,
Ai chấp nhận sẻ chia,
Nàng là vợ tối thượng,
Nữ nhân bậc Vương Giả.”
“Yā daliddī daliddassa,
aḍḍhā aḍḍhassa kittima;
Sā hissa paramā bhariyā,
sahiraññassa itthiyo”ti.

Succajajātakaṁ dasamaṁ.

Bồ-tát ca ngợi hoàng hậu như thế và bảo:

– Tâu Ðại vương, lệnh bà này lúc ngài đang gặp nghịch cảnh, đã sống cùng ngài, chia xẻ cùng ngài bao sầu khổ trong rừng. Ngài nên làm vinh dự cho lệnh bà.

Khi nghe Bồ-tát nói, vua liền nhớ đến những đức hạnh của hoàng hậu và bảo:

– Này hiền khanh, nhờ hiền khanh mà ta nhớ lại các đức hạnh của hoàng hậu.

Vua nói thế rồi trao mọi quyền lực vào tay hoàng hậu. Ngoài ra, vua còn ban quyền hạn lớn lao cho Bồ-tát. Vua bảo:

Chính nhờ khanh mà ta nhớ lại các đức hạnh của hoàng hậu vậy.

*

Khi bậc Ðạo Sư kể xong Pháp thoại này, Ngài tuyên thuyết Tứ Ðế. Ở phần cuối bài giảng Tứ Ðế, người chồng cùng người vợ đắc quả Dự Lưu.

Rồi bậc Ðạo Sư nhận diện tiền thân:

– Bấy giờ người chủ đất này là vua xứ Ba-la-nại, nữ cư sĩ này là hoàng hậu, còn Ta là vị quan hiền trí nọ.

Pucimandavaggo dutiyo.

Tassuddānaṁ

Atha cora sakassapa khantīvaro,
Dujjīvitatā ca varā pharusā;
Atha sasa matañca vasanta sukhaṁ,
Succajaṁvatanaccajinā ca dasāti.