Chuyện Tiền Thân Đức Thế Tôn
Jātaka
Chương Bốn
Catukkanipāta
Phẩm Kẻ Đốt Cốc
Kuṭidūsakavagga
Ja 330 Sīlavīmaṁsajātaka
Chuyện này do bậc Ðại Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một Bà-la-môn từng thử thách đức hạnh của mình.
Hai câu chuyện tương tự đã được kể trước đây (số Ja 86 và Ja 290). Ở đây, Bồ-tát là vị giáo sĩ hoàng gia của vua Ba-la-nại.
*
Ðể thử thách đức hạnh của mình, luôn trong ba ngày, mỗi ngày ngài lấy một đồng tiền trong kho của vua. Ngài bị cáo là gian trộm và bị đưa ra trước nhà vua. Ngài nói:
“Nghe rằng giới tốt đẹp,
Vô thượng ở trong đời,
Rắn độc không cắn người,
Có giới, không bị giết.”
“Sīlaṁ kireva kalyāṇaṁ,
sīlaṁ loke anuttaraṁ;
Passa ghoraviso nāgo,
sīlavāti na haññati”.
Sau khi ca ngợi đức hạnh bằng bài kệ trên và được vua thỏa ý, ngài sống đời tu khổ hạnh. Bấy giờ có một con diều hâu chộp được một miếng thịt trong một hàng bán thịt kia, cắp thịt vào chân và bay vù lên không. Bọn chim liền vây lấy nó, tấn công nó bằng chân, bằng vuốt và mỏ. Không chịu nổi đau đớn, diều hâu ấy đành thả miếng thịt. Một con khác chộp lấy thịt, con này cũng bị tấn công, bị đau như trước đành thả rơi miếng thịt. Rồi một con khác sà xuống vồ miếng thịt. Hễ con nào được thịt thì bị đám còn lại đuổi theo và con nào nhả thịt ra thì được yên thân. Bồ-tát thấy thế liền nghĩ: “Những tham dục của chúng ta cũng giống như những miếng thịt. Ai nắm lấy chúng thì bị đau khổ, ai thả chúng ra thì được an bình”.
Và ngài đọc bài kệ thứ hai
“Ở đời, có vật gì,
Chúng hãy còn cấu xé,
Diều hâu quần tụ lại,
Không hại kẻ tay không.
“Yāvadevassahū kiñci,
tāvadeva akhādisuṁ;
Saṅgamma kulalā loke,
na hiṁsanti akiñcanaṁ.
Rồi vị khổ hạnh đi ra khỏi thành phố.
Trên đường dong ruổi, ngài đến một ngôi làng kia và vào lúc chiều tối, ngài nằm nghỉ trong nhà của một người nọ.
Bấy giờ có một nữ tỳ tên Pingalã hẹn hò với một nam nhân: “Anh hãy đến vào giờ ấy, giờ ấy …” Sau khi rửa chân cho chủ và gia đình chủ và khi mọi người đều nằm ngủ, cô ta ngồi ở bậc cửa chờ tình nhân đến. Suốt canh một và canh hai cô đều tự bảo: “Bây giờ chàng sắp đến rồi!.”
Nhưng khi trời sáng, cô hết hy vọng và tự bảo: “Thế là chàng không đến!” Rồi cô ta nằm xuống và ngủ ngon.
Bồ-tát thấy chuyện xảy ra như thế liền tự bảo: “Người phụ nữ này từng ngồi quá lâu như thế hy vọng người tình sẽ đến; nhưng bây giờ nàng biết anh ta không đến, trong cơn thất vọng, nàng ngủ thật an bình. Ngài liền đọc bài kệ thứ ba:
Không mong, ngủ an lạc,
Mong được, cho quả vui,
Khi chẳng còn mong mỏi,
Nàng Piṅgalā ấy,
Ngủ giấc ngủ an lành.
Sukhaṁ nirāsā supati,
āsā phalavatī sukhā;
Āsaṁ nirāsaṁ katvāna,
sukhaṁ supati piṅgalā.
Ngày hôm sau, ngài ra khỏi làng và đi vào một khu rừng trông thấy một vị ẩn sĩ đang ngồi trên đất chuyên tâm thiền định. Ngài nghĩ: “Ở đời này và cả đời sau, không có hạnh phúc nào hơn niềm cực lạc của thiền định”.
Rồi ngài đọc bài kệ thứ tư:
Ở đời này, đời sau,
Không có an lạc nào,
Vượt ra khỏi thiền tập,
Người chứng đạt định tĩnh,
Không hại mình, hại người.”
Na samādhiparo atthi,
asmiṁ loke paramhi ca;
Na paraṁ nāpi attānaṁ,
vihiṁsati samāhito”ti.
Sīlavīmaṁsajātakaṁ dasamaṁ.
Thế rồi, ngài đi sâu vào rừng, sống cuộc đời ẩn dật của một vị Rishi (Tiên nhân chứng đạo) phát huy thắng trí do thiền định rồi được vào cõi Phạm thiên.
*
Thuyết giảng xong, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ, Ta đây là vị giáo sĩ nọ.
KUṬIDŪSAKAVAGGO TATIYO.
Tassuddānaṁ
Samanussa saduddubha yācanako,
Atha meṇḍavaruttama godhavaro;
Atha kāyasakepuka bhotīvaro,
Atha rādhasusīlavarena dasāti.