WikiDhamma

Thư Viện Nghiên Cứu Phật Giáo


Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, 
Bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa

Ja 331 Chuyện Kokila

Chuyện Tiền Thân Đức Thế Tôn
Jātaka

Chương Bốn
Catukkanipāta

Phẩm Chim Cu
Kokilavagga

Ja 331 Kokilajātaka

Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về Trưởng lão Kokālika. Câu chuyện khởi đầu được kể đầy đủ ở số 481, Tiền thân Takkārika.

*

Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát là một vị đại thần rất được vua trọng vọng. Bấy giờ vua có tính lắm lời. Bồ-tát tự nghĩ: “Ta sẽ làm dứt tính huyên thuyên của vua”. Và ngài chờ đợi dịp thuận tiện để giảng giải cho vua.

Một hôm vào trong vườn cây và ngồi trên một phiến đá dành cho mình. Vua ngồi xuống gốc cây xoài, trên đó có một con chim cu đen đẻ trứng vào tổ của một con quạ rồi bỏ đi. Con quạ mái chăm lo cái trứng con chim cu. Chẳng bao lâu, trứng nở ra một chim cu con. Quạ tưởng rằng đấy chính là con của nó nên nó chăm sóc chim cu, mang mồi về cho nó ăn. Con chim nhỏ còn chưa đủ lông đủ cánh, đã kêu lên tiếng chim cu non nớt. Quạ liền nghĩ: “Con chim non này ngay bây giờ đã thốt lên giọng lạ lùng. Khi nó lớn lên nó sẽ còn làm gì nữa? “Thế là quạ lấy mỏ mổ chết chim cu và ném nó ra khỏi tổ. Xác chim cu rơi xuống chân vua. Vua hỏi Bồ-tát:

– Này khanh, thế này là nghĩa gì?

Bồ-tát nghĩ: “Ta đang tìm việc tốt để giảng cho vua một bài học, và nay ta đã được dịp ấy rồi”. Vì vậy ngài nói:

– Tâu Ðại vương, những hạng lắm lời, nói quá nhiều không đúng lúc, đều phải gặp như thế. Tâu Ðại vương, chim cu nhỏ bé này được quạ nuôi nấng, khi còn chưa đủ lông cánh, nó đã thốt lên một tiếng kêu quá sớm. Thế là quạ biết rằng đấy không phải là con của nó liền mổ chết và ném nó ra khỏi tổ. Tất cả những ai nói không đúng lúc và nói nhiều quá, dù cho đó là người hay vật đều phải chịu đau khổ như thế cả.

Rồi ngài đọc bài kệ sau:

“Kẻ nào chưa đúng thời,
Nói lời không thích đáng,
Bị giết chết nằm dài,
Như con chim cu non.
“Yo ve kāle asampatte,
ativelaṁ pabhāsati;
Evaṁ so nihato seti,
kokilāyiva atrajo.

Như dao được khéo mài,
Tựa độc dược cực mạnh,
Không giết hại mau chóng,
Như lời không khéo nói.
Na hi satthaṁ sunisitaṁ,
visaṁ halāhalāmiva;
Evaṁ nikaṭṭhe pāteti,
vācā dubbhāsitā yathā.

Hợp thời hay phi thời,
Bậc trí giữ lời nói,
Chẳng nên nói quá nhiều,
Thân tín không vội nói.
Tasmā kāle akāle vā,
vācaṁ rakkheyya paṇḍito;
Nātivelaṁ pabhāseyya,
api attasamamhi vā.

Ai nói lời đúng thời,
Vừa phải, có suy xét,
Khôn khéo, chinh phục địch,
Như Chim thần bắt Rắn.”
Yo ca kāle mitaṁ bhāse,
matipubbo vicakkhaṇo;
Sabbe amitte ādeti,
supaṇṇo uragāmivā”ti.

Kokilajātakaṁ paṭhamaṁ.

Từ khi Bồ-tát thuyết giáo như thế, vua trở nên đắn đo trong lời nói. Vua càng trọng vọng Bồ-tát và ban ân tứ cho ngài càng nhiều hơn mãi.

*

Sau khi thuyết giảng xong, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:

– Vào thời ấy Kokālika là con chim cu nhỏ ấy, còn Ta là vị thần hiền trí.