Chuyện Tiền Thân Đức Thế Tôn
Jātaka
Chương Sáu
Chakkanipāta
Phẩm Avāriya
Avāriyavagga
Ja 382 Sirikāḷakaṇṇijātaka
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về ông Anāthapindika (Cấp Cô Ðộc).
Từ thời ông được an trú vào quá Dự Lưu, ông hành trì Ngũ giới trọn vẹn. Tất cả vợ con gia nhân của ông đều làm như vậy.
Một hôm tại Chánh pháp đường, Tăng chúng bắt đầu thảo luận xem ông Cấp Cô Ðộc và gia quyến ông có giữ Thánh đạo thanh tịnh chăng. Bậc Ðạo Sư bước vào và được Hội chúng trình bày đề tài ấy, Ngài bảo:
– Này các Tỷ-kheo, các bậc trí thời xưa cũng đã giữ cho toàn gia quyến được thanh tịnh.
Và Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát làm một thương nhân, bố thí, trì giới và toàn thể con cháu, gia nhân trong nhà cũng làm như vậy. Cho nên ngài được gọi là thương nhân Suciparivāra (Toàn gia Thanh tịnh). Ngài suy nghĩ: “Nếu có vị nào giữ đức giới thanh tịnh hơn ta đến đây, và ta mời vị ấy ngồi trên ghế của ta hay nằm trên giường của ta thì không thích hợp, mà ta phải mời ngồi trên bảo tọa thanh tịnh chưa ai dùng”. Như thế ngài dặn gia nhân chuẩn bị một bảo tọa và một bảo sàng mới nguyên đặt vào một bên khách sảnh đặc biệt của ngài.
Vào thời ấy trên cõi trời Thiên vương có hai nàng tiên: Kāḷakaṇṇi (Bất Hạnh), ái nữ của Virūpakkha (Quảng Mục Thiên vương) và Siri (Hạnh Phúc), ái nữ của Dhatarattha (Trì Quốc Thiên vương) cùng đem nhiều vòng hoa và hương liệu đi đến hồ Anotatta để vui chơi tại đó.
Bấy giờ tại hồ đó có nhiều chỗ tắm. Chư Phật có chỗ tắm riêng, các Ðộc Giác Phật có chỗ riêng, các Tỷ-kheo có chỗ riêng, các Thiên tử sáu tầng Dục giới (trong đó có Tứ Thiên vương an trú ở tầng thứ nhất) có chỗ riêng và các Thiên nữ có chỗ riêng.
Hai Thiên nữ này đến đấy và bắt đầu tranh cãi xem ai được tắm trước. Kāḷakaṇṇi nói:
– Ta ngự trì cõi trần, ta tắm trước mới hợp lý.
– Ta cai quản con đường giới hạnh đem lại địa vị tối cao của nhân loại. Ta tắm trước mới hợp lý. Siri đáp.
Sau đó cả hai đều nói:
– Tứ Thiên vương sẽ biết giữa hai ta ai sẽ phải tắm trước.
Thế là hai nàng đi hỏi các Thiên vương rằng ai giữa hai nàng xứng đáng tắm trước tại hồ Anotatta. Hai Thiên vương Dhatarattha và Virupakkha đáp:
– Chúng ta không thể quyết định được.
Và hai vị giao phận sự ấy cho Virūlha (Tăng Trưởng Thiên vương) và Vesavana (Tỳ-sa-môn Thiên vương). Hai vị này cũng bảo:
– Chúng ta không quyết định được, chúng ta muốn đưa chuyện đến bệ kiến Thiên chủ.
Rồi hai vị đưa chuyện đến Sakka Thiên chủ (Ðế Thích). Thiên chủ nghe chuyện, thầm nghĩ: “Hai này này là ái nữ của Thiên vương chư hầu của ta, ta không thể quyết định được chuyện ấy”, và bảo hai nàng:
– Tại thành Ba-la-nại có một thương nhân tên gọi Suciparivāra, trong nhà vị ấy có đặt sẵn một bảo tọa và một bảo sàng mới nguyên, nàng nào có thể nằm ngồi ở chỗ ấy trước thì xứng đáng là người được tắm trước.
Kāḷakaṇṇi nghe vậy lập tức khoác y phục màu xanh, tẩm dầu thơm màu xanh và tô điểm nữ trang màu xanh (Màu xanh tượng trưng điềm xấu). Rồi từ Thiên giới, nàng giáng trần trên một thạch bàn do chiếc cung thần bắn ra. Sau canh giữa đêm, nàng trụ trên không, tỏa ra một làn ánh sáng xanh, không xa vị thương nhân đang nằm trên một bảo tọa trong khách sảnh đặc biệt của lâu đài. Vị thương nhân nhìn lên thấy nàng, song đối với ngài, nàng không có vẻ nhân từ, khả ái. Ngài liền ngâm vần kệ đầu nói chuyện với nàng:
“Nàng có làn da đen,
Không có gì khả ái,
Nàng là ai, con ai,
Ta biết gì về nàng?”
“Kā nu kāḷena vaṇṇena,
na cāpi piyadassanā;
Kā vā tvaṁ kassa vā dhītā,
kathaṁ jānemu taṁ mayaṁ”.
Nghe lời này, Kāḷakaṇṇi ngâm vần kệ thứ hai:
“Phụ thân ta dữ tợn,
Là Virūpakkha,
Ta Kāli, tai ương,
Tên Kāḷakaṇṇī,
Xin ngài cho chỗ trú,
Được kề cận bên ngài.”
“Mahārājassahaṁ dhītā,
virūpakkhassa caṇḍiyā;
Ahaṁ kāḷī alakkhikā,
kāḷakaṇṇīti maṁ vidū;
Okāsaṁ yācito dehi,
vasemu tava santike”.
Sau đó Bồ-tát đáp vần kệ thứ ba:
“Nàng để ý đến người,
Có giới hạnh thế nào?
Hỡi Kāḷī, ta hỏi,
Xin nàng giải thích cho?”
“Kiṁsīle kiṁsamācāre,
Purise nivisase tuvaṁ;
Puṭṭhā me kāḷi akkhāhi,
Kathaṁ jānemu taṁ mayaṁ”.
Nàng lại ngâm vần kệ thứ tư, giải thích các đặc tính của nàng:
“Người nào có dèm pha,
Ác ý, hung, ganh tỵ,
Bỏn xẻn và lường gạt,
Người ấy ta yêu mến,
Ta làm cho tài sản,
Của kẻ ấy diệt vong.
“Makkhī paḷāsī sārambhī,
issukī maccharī saṭho;
So mayhaṁ puriso kanto,
laddhaṁ yassa vinassati.
Nàng còn ngâm thêm vần kệ thứ năm, thứ sáu và thứ bảy:
Người nào có sân hận,
Thù hằn và đâm thọc,
Kẻ ly gián, thô lỗ,
Kẻ ấy đối với ta,
Người ấy thật đáng kính.
Kodhano upanāhī ca,
pisuṇo ca vibhedako;
Kaṇḍakavāco pharuso,
so me kantataro tato.
Người không thấy lợi ích:
‘Việc nay, để ngày mai,’
Sân hận khi được dạy,
Khi dể người hơn mình.
Ajja suveti puriso,
sadatthaṁ nāvabujjhati;
Ovajjamāno kuppati,
seyyaṁ so atimaññati.
Người nào chạy theo dục,
Bị bằng hữu tránh xa,
Kẻ ấy đối với ta,
Là con người đáng kính,
Kẻ ấy ta không sầu.”
Davappaluddho puriso,
sabbamittehi dhaṁsati;
So mayhaṁ puriso kanto,
tasmiṁ homi anāmayā”.
Lúc ấy, bậc Ðại Sĩ ngâm vần kệ thứ tám khiển trách nàng:
“Kāḷī, đi khỏi đây,
Ta không có điều ấy,
Nàng hãy tới nơi khác,
Đến kinh thành, đến làng.”
“Apehi etto tvaṁ kāḷi,
netaṁ amhesu vijjati;
Aññaṁ janapadaṁ gaccha,
nigame rājadhāniyo”.
Kāḷakaṇṇi nghe vậy, buồn rầu ngâm vần kệ đáp lời:
“Ta cũng biết được rằng,
Không tìm thấy nơi ngài.
Có những kẻ ở đời,
Thâu góp nhiều tài sản,
Cả hai huynh đệ ta,
Có thể làm tiêu tán.”
“Ahampi kho taṁ jānāmi,
netaṁ tumhesu vijjati;
Santi loke alakkhikā,
saṅgharanti bahuṁ dhanaṁ;
Ahaṁ devo ca me bhātā,
ubho naṁ vidhamāmase”.
Khi nàng đã đi rồi, Thiên nữ Siri xuất hiện, với y phục, dầu thơm, nữ trang toàn màu rực rỡ ngay trước cửa phòng khách, vừa tỏa ra một làn ánh sáng toàn màu vàng, nàng đứng trên đất bằng hai chân vững chắc và dáng điệu kính cẩn. Bồ-tát thấy nàng liền ngâm hai vần kệ đầu:
“Nàng hiện nơi địa cầu,
Với màu sắc thiên giới,
Nàng là ai,con ai,
Ta biết gì về nàng?”
“Kā nu dibbena vaṇṇena,
pathabyā supatiṭṭhitā;
Kā vā tvaṁ kassa vā dhītā,
kathaṁ jānemu taṁ mayaṁ”.
Siri nghe vậy liền đáp vần kệ thứ hai:
Trì Quốc Thiên vương chính phụ thân,
“Phụ thân ta vinh quang,
Là Dhataraṭṭha,
Ta Sirī, may mắn,
Tên Bhūripaññā,
Xin ngài cho chỗ trú,
Được kề cận bên ngài.”
“Mahārājassahaṁ dhītā,
dhataraṭṭhassa sirīmato;
Ahaṁ sirī ca lakkhī ca,
bhūripaññāti maṁ vidū;
Okāsaṁ yācito dehi,
vasemu tava santike”.
Sau đó ngài hỏi:
“Nàng để ý đến người,
Có giới hạnh thế nào?
Hỡi Sirī, ta hỏi,
Xin nàng giải thích cho?”
“Kiṁsīle kiṁsamācāre,
Purise nivisase tuvaṁ;
Puṭṭhā me lakkhi akkhāhi,
Kathaṁ jānemu taṁ mayaṁ”.
Siri đáp lại:
“Người nào kham nhẫn với,
Gió, nắng, nóng, và lạnh,
Ruồi, và các bò sát,
Luôn với cả đói, khát,
Ngày đêm tròn phận sự,
Chớp lợi ích, đúng thời,
Người ấy ta yêu mến.
“Yo cāpi sīte atha vāpi uṇhe,
Vātātape ḍaṁsasarīsape ca;
Khudhaṁ pipāsaṁ abhibhuyya sabbaṁ,
Rattindivaṁ yo satataṁ niyutto.
Kālāgatañca na hāpeti atthaṁ,
So me manāpo nivise ca tamhi;
Người nào không sân hận,
Thân thiện, có bố thí,
Giới hạnh không lừa gạt,
Có tâm tính ngay thẳng,
Hào phóng và nói năng,
Tử tế lời mềm mỏng,
Quyền cao vẫn khiêm tốn.
Akkodhano mittavā cāgavā ca,
Sīlūpapanno asaṭhojubhūto.
Saṅgāhako sakhilo saṇhavāco,
Mahattapattopi nivātavutti;
Khi ở với người ấy,
Ta trở nên to lớn,
Tựa như sóng đại dương,
Xô chồng nhau to lớn,
Đối với bạn hay thù,
Giỏi, bằng hay thua kém,
Làm bất lợi hay lợi,
Tiếp độ trực hay gián,
Không nói lời thô lỗ,
Dẫu chết hay còn sống,
Ta thuộc về người ấy.
Tasmiṁhaṁ pose vipulā bhavāmi,
Ūmi samuddassa yathāpi vaṇṇaṁ.
Yo cāpi mitte atha vā amitte,
Seṭṭhe sarikkhe atha vāpi hīne;
Atthaṁ carantaṁ atha vā anatthaṁ,
Āvī raho saṅgahameva vatte.
Vācaṁ na vajjā pharusaṁ kadāci,
Matassa jīvassa ca tassa homi;
Người nào có đức tánh,
Trong số đức tánh này,
Kẻ ngu lại nghĩ rằng,
‘Sirī say mê ta,’
Kẻ ấy thật ngạo mạn,
Cư xử không nhất quán,
Tựa tránh xa đống phân,
Ta rời kẻ như thế.
Etesaṁ yo aññataraṁ labhitvā,
Kantā sirī majjati appapañño;
Taṁ dittarūpaṁ visamaṁ carantaṁ,
Karīsaṭhānaṁva vivajjayāmi.
Họa, phúc người tự tạo,
Chẳng có ai ban cho,
Họa, phúc cho người khác.”
Attanā kurute lakkhiṁ,
alakkhiṁ kurutattanā;
Na hi lakkhiṁ alakkhiṁ vā,
añño aññassa kārako”ti.
Sirikāḷakaṇṇijātakaṁ sattamaṁ.
Ðó là lời giải đáp của Siri khi được vị thương nhân hỏi. Bồ-tát hoan hỷ trước lời nàng, liền bảo:
– Ðây là sàng tọa thanh tịnh, xứng đáng dành cho nàng. Hãy nằm ngồi lên đó.
Nàng ở lại đến sáng hôm sau giã từ về cõi trời Tứ Thiên vương và tắm trước tiên tại hồ Anotatta. Sàng tọa được Siri dùng tên là Sirisaya. Ðó là nguồn gốc của từ Sirisayana (Bảo tọa, vương sàng) và vì lý do đó, nó được gọi như vậy cho đến ngày nay.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Vào thời ấy, Thiên nữ Siri là Uppalavannā (Liên Hoa Sắc) và thương nhân Suciparivāra chính là Ta.