Chuyện Tiền Thân Đức Phật
Jātaka
Chương Hai
Dukanipāta
Phẩm Thân Mật
Santhavavagga
Ja 168. Sakuṇagghijātaka
Câu chuyện này, khi ở Kỳ viên,bậc Ðạo Sư kể về ý nghĩa bài kinh Khuyên dạy loài chim của Ngài (Sakunovāda).
Một hôm, bậc Ðạo Sư gọi các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo, khi các ông đi khất thực, mỗi người hãy giữ đúng địa hạt của mình.
Rồi Ngài đọc bài kinh ấy từ Ðại phẩm phù hợp với trường hợp này và nói thêm:
– Thuở xưa, các loài bàng sanh từ bỏ địa hạt nhà của mình, đi tìm ăn không phải chỗ, và rơi vào tay kẻ thù. Rồi nhờ trí tuệ và phương tiện thiện xảo của mình, chúng thoát khỏi tay của kẻ thù.
Nói như vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Bà-la-môn, Bồ-tát sanh làm chim cun cút sống tìm mồi tại những mô đất do cày bừa để lại. Một hôm, chim cun cút ấy từ bỏ khu vực tìm mồi quen thuộc của mình để đi nơi khác, và nó đi đến biên địa ngôi rừng. Thấy chim cun cút đang đi tìm mồi, tại chỗ ấy, một con chim ưng nhanh như cắt bay sà xuống chụp lấy cun cút và tha đi. Khi bị bắt, chim cun cút than:
– Ta thật đại bất hạnh! Ta thật là ít phước! Ta đã đi tìm mồi không phải chỗ, vào địa hạt (lãnh địa) của loài khác. Nếu nay ta đi tìm mồi trong khu vực tìm mồi của ông cha ta, trong địa hạt nhà của mình, thì con chim ưng này không đối địch với ta được, khi có đánh nhau.
Nghe vậy, chim ưng hỏi:
– Này chim cút nhỏ bé kia, chỗ nào là chỗ tìm mồi trong địa hạt nhà của ngươi, nơi mà ông cha ngươi đã tìm mồi?
– Tại chỗ này, chỗ những mô đất do cày bừa để lại.
Rồi con chim ưng nới lỏng sức mạnh của mình và nói:
– Hãy đi, chim cun cút bé nhỏ kia, dù đi đến đấy, ngươi cũng không thoát khỏi ta đâu.
Con chim cun cút bay đến đấy, đậu lên một mô đất lớn và gọi:
– Này chim ưng, ta cám ơn ngươi, nay ngươi hãy đến đây!
Con chim ưng tập trung sức mạnh của mình, vận dụng cả hai cánh lại, mau lẹ sà xuống chụp lấy con chim cút. Con chim cút biết: “Con chim ưng này vồ bắt ta với tất cả sức mạnh”, liền xoay lại tránh qua phía những mô đất ấy. Chim chim ưng không thể trì hãm sức lực, đập mạnh cánh vào đấy, liền vỡ tim, lòi mắt và chết toi mạng.
Sau khi trình bày câu chuyện quá khứ này, bậc Ðạo Sư nói thêm:
– Như vậy này các Tỷ-kheo, các loài bàng sanh, khi đi tìm mồi không phải chỗ, đã rơi vào tay kẻ thù. Nhưng khi chúng đi tìm mồi trong địa hạt của mình, chúng đánh bại được kẻ thù. Do vậy, các ông chớ có đi không đúng chỗ, và đến địa hạt của người khác. Khi ta rời địa hạt của mình, Ác-ma sẽ đợi cơ hội, Ác-ma sẽ được thuận duyên. Này các Tỷ-kheo, chỗ nào là không đúng chỗ của Tỷ-kheo, là địa hạt của người khác? Ðó chính là năm dục lạc. Thế nào là năm? Sắc do mắt nhận thức … Này các Tỷ-kheo, đấy không phải là chỗ của Tỷ-kheo, là địa hạt của người khác.
Nói vậy xong, đấng Chánh Giác đọc bài kệ đầu:
“Chim ưng với sức mạnh
Sà xuống chụp con cút,
Con cút đang tìm mồi
Trên lãnh địa của mình,
Vì sà chụp quá mạnh,
chim ưng chết toi mạng.
“Seno balasā patamāno,
lāpaṁ gocaraṭhāyinaṁ;
Sahasā ajjhappattova,
maraṇaṁ tenupāgami.
Khi chim ưng chết, chim cút mới đi ra và tuyên bố:
– Ta đã thấy được lưng kẻ thù.
Rồi đứng trên quả tim của con chim ưng, nó nói lên lời hứng qua bài kệ thứ hai:
Ta biết phương tiện hay,
Vui trên lãnh địa nhà,
Ta mừng kẻ thù bại,
Tìm kiếm lợi ích mình”.
Sohaṁ nayena sampanno,
pettike gocare rato;
Apetasattu modāmi,
sampassaṁ atthamattano”ti.
Sakuṇagghijātakaṁ aṭṭhamaṁ.
*
Bậc Ðạo Sư kể pháp thoại này xong, liền thuyết giảng các Sự thật. Cuối bài giảng, nhiều Tỷ-kheo được an trú vào các Ðạo và Quả.
Và Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, con chim ưng là Ðề-bà-đạt-đa, còn chim cút là Ta vậy.