WikiDhamma

Thư Viện Nghiên Cứu Phật Giáo


Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, 
Bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa

Ja 209 Chuyện Con Chim Mồi

Chuyện Tiền Thân Đức Phật
Jātaka

Chương Hai
Dukanipāta

Phẩm Nataṁdaḷha
Nataṁdaḷhavagga

Ja 209 Kukkuṭajātaka

Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một Tỷ-kheo trẻ tuổi đồng trú với Trưởng lão Xá-lợi phất, vị Tướng quân Chánh pháp.

Nghe nói, vị này khéo săn sóc thân mình, không dám ăn đồ quá lạnh, hay quá nóng, vì sợ thân sẽ không an lạc, không dám đi ra ngoài, vì sợ nóng và lạnh sẽ làm thân mệt mỏi. Và vị ấy không ăn cơm nấu quá nhão hay quá cứng.

Sự khéo léo săn sóc thân thể của Tỷ-kheo ấy được chúng Tăng biết đến. Các Tỷ-kheo ngồi ở Chánh pháp đường và nói chuyện:

– Này các Hiền giả, nghe nói Tỷ-kheo tên này khéo săn sóc thân thể lắm!

Bậc Ðạo Sư đến Chánh pháp đường và hỏi:

– Này các Tỷ-kheo, các ông ngồi hội họp ở đây, đang bàn luận vấn đề gì?

Và khi nghe vấn đề ấy, bậc Ðạo Sư nói:

– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Tỷ-kheo trẻ này mới khéo léo săn sóc thân thể. Thuở xưa, vị ấy cũng đã như vậy rồi.

Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.

*

Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát là một thần cây ở trong rừng. Có một người thợ săn chim, với một con chim mồi, đem theo sợi dây thòng lọng làm bằng tóc và cây gậy vào rừng bắt chim. Khi đuổi theo một con chim già, anh ta bắt đầu cột con chim mồi và cho nó bay theo vào rừng. Con chim già ấy khéo biết bẫy sập, không để mình bị bắt, cứ bay lên rồi đậu xuống. Vì vậy, kẻ đi săn giấu mình dưới cành lá, tiếp tục dựng cây gậy và giơ bẫy mồi. Nhưng con chim muốn làm cho người thợ săn xấu hổ, dùng giọng người đọc bài kệ đầu:

“Ta thấy nhiều cây rừng
Như các cây Sala,
Các cây ấy không làm,
Như ông đã làm đâu!”
“Diṭṭhā mayā vane rukkhā,
assakaṇṇā vibhīṭakā;
Na tāni evaṁ sakkanti,
yathā tvaṁ rukkha sakkasi”.

Nói vậy xong, con chim ấy bay đến một chỗ khác.

Khi con chim đã bay đi rồi người thợ săn đọc bài kệ thứ hai:

“Chim cũ phá cái lồng,
Ðã bay đi mất rồi,
Khéo biết về bẫy sập,
Thoát bẫy, nói giọng người!”
“Purāṇakukkuṭo ayaṁ,
bhetvā pañjaramāgato;
Kusalo vāḷapāsānaṁ,
apakkamati bhāsatī”ti.

Kukkuṭajātakaṁ navamaṁ.

Nói vậy xong, người thợ săn đi sâu vào rừng, lấy những gì có thể kiếm được rồi đi về nhà.

*

Sau khi thuyết Pháp thoại này xong, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:

– Lúc bấy giờ, người thợ săn là Ðề-bà-đạt-đa, con chim là Tỷ-kheo trẻ khéo léo săn sóc thân mình, còn vị thần cây đã chứng kiến mọi việc là Ta vậy.