WikiDhamma

Thư Viện Nghiên Cứu Phật Giáo


Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, 
Bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa

Ja 220 Chuyện Tế Sư Dhammadhaja

Chuyện Tiền Thân Đức Phật
Jātaka

Chương Hai
Dukanipāta

Phẩm Bụi Cỏ Thơm
Bīraṇathambhavagga

Ja 220 Dhammadhajajātaka

Câu chuyện này, khi ở Trúc Lâm, bậc Ðạo Sư kể về những âm mưu sát hại Ngài, Lúc bấy giờ Ðạo Sư nói:

– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay, mà thuở trước cũng vậy, Ðề-bà-đạt-đa đã âm mưu sát hại ta, nhưng dù chỉ làm Ta sợ hãi cũng không thành.

Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.

*

Thuở trước, vua Yasapāni trị vì ở Ba-la-nại, vua có một vị tướng quân tên là Kālaka (Hắc nhân). Lúc bấy giờ, Bồ-tát là vị cố vấn tế tự tên là Dhammadhaja (Ngọn cờ Chánh pháp). Vua có một người thợ hớt tóc và làm đồ trang sức đầu tóc cho vua tên là Chattapānī (Người cầm dù).

Vua trị vì theo Chánh pháp. Nhưng vị tướng quân lo việc xử kiện thường ăn hối lộ và hay gièm pha. Khi đã lấy hối lộ, ông lừa đảo và chiếm đoạt tài sản của những người sở hữu chủ chính đáng.

Một hôm, một người bị thua trong một vụ kiện, hoa tay khóc lóc, khi đi ra khỏi pháp đình, thấy Bồ-tát đang hầu vua, liền gieo mình xuống chân Bồ-tát và thưa:

– Thưa ngài, trong khi ngài khuyến giáo vua về thánh sự và tục sự, thì tướng quân Kālaka lấy hối lộ, làm các người sở hữu chủ phải mất tài sản.

Và ông ta thuật lại vụ kiện của mình. Bồ-tát động mối bi tâm nói:

– Này bạn, hãy đi theo ta, ta sẽ xử vụ kiện cho bạn.

Bồ-tát đưa người ấy đến pháp đường. Một số đông quần chúng tụ họp lại. Bồ-tát xử vụ kiện của người ấy, và khiến người sở hữu chủ được lấy lại tài sản. Quần chúng đều hoan hô. Tiếng hoan hô làm thành tiếng ồn ào lớn. Vua nghe tiếng ồn ào liền hỏi:

– Tiếng ồn ào gì vậy?

– Thưa Ðại vương, một vụ kiện xử sai đã được bậc trí Dhammadhaja xử lại đúng pháp, vì vậy đó là tiếng ồn ào do quần chúng hoan hô.

Vua bằng lòng, bảo mời Bồ-tát đến và hỏi:

– Thưa Sư trưởng, trẫm nghe nói Sư trưởng mới xử kiện?

– Thưa Ðại vương, phải. Thần vừa xử xong một vụ kiện mà tướng quân Kālaka đã xử sai.

Vua nói:

– Bắt đầu từ nay, Sư trưởng hãy xử các vụ kiện. Ðôi tai trẫm sẽ sung sướng, và thế giới sẽ tăng thịnh.

Bồ-tát không muốn xử kiện. Nhưng vua yêu cầu:

– Vì thương xót mọi loài hữu tình, Sư trưởng hãy ngồi xử kiện.

Vì vậy Bồ-tát nhận lời.

Từ đấy trở đi Bồ-tát ngồi xử kiện, và xử cho người sở hữu chủ chính đáng được thắng kiện. Còn Kālaka không được tiền hối lộ, lợi dưỡng bị hao hụt nên bắt đầu gièm pha Bồ-tát trước mặt vua. Ông ta tâu với vua:

– Thưa Ðại vương, Dhammadhaja muốn đoạt quốc độ của ngài.

Vua không tin và bảo ông ta đừng nói như vậy nữa. Kālaka nói:

– Nếu Ðại vương không tin thần, khi nào Dhammadhaja đi đến hầu, Ðại vương hãy nhìn qua cửa sổ, rồi Ðại vương sẽ thấy Dhammadhaja đã làm cho toàn thành phố nằm trong tay của ông ta.

Vua thấy đám người được Bồ-tát xử kiện, tưởng rằng đấy là hội chúng của Bồ-tát. Vua sinh lòng nghi ngờ Bồ-tát và hỏi:

– Này tướng quân, nay chúng ta phải làm gì?

– Thưa thiên tử, hãy giết nó.

– Chúng ta không thấy nó phạm trọng tội nào, làm sao ta giết nó được?

– Ðã có một cách.

– Cách gì vậy?

– Hãy bảo nó làm một việc không thể làm được. Khi nó làm không được, ta lấy tội ấy, và ta sẽ giết nó.

– Nhưng việc gì không thể làm được?

– Thưa Ðại vương, một khu vườn có đất tốt, được trồng cây và chăm sóc phải cần từ hai đến bốn năm mới sanh trái được. Ðại vương hãy cho gọi nó đến và bảo: “Ngày mai, trẫm muốn đến chơi tại một khu vườn. Hãy làm cho trẫm một khu vườn”. Nó sẽ không thể làm được. Chúng ta nhân tội ấy sẽ giết nó.

Vua mời Bồ-tát đến nói:

– Thưa bậc Hiền trí, Trẫm đến chơi tại khu vườn cũ lâu ngày đã chán. Nay trẫm muốn đến chơi ở một khu vườn mới. Hãy xây dựng cho trẫm một khu vườn mới. Nếu khanh không làm được việc ấy, khanh sẽ mất mạng.

Bồ-tát biết: “Có lẽ vì Kālaka không nhận được tiền hối lộ, nên nó làm cho vua chống đối ta”. Bồ-tát nói với vua:

– Thưa Ðại vương, thần biết thần sẽ lo việc ấy.

Rồi đi về nhà, sau bữa ăn, Bồ-tát nằm trên giường suy nghĩ.

Lúc ấy chiếc ngai của Ðế Thích (Thiên chủ Sakka) trở thành nóng. Ðế Thích hướng tâm suy nghĩ, biết rằng Bồ-tát đang gặp khó khăn, liền vội vàng hiện đến phòng ngủ của ngài, đứng trên không và hỏi:

– Thưa bậc Hiền trí, ngài đang suy nghĩ gì?

– Người là ai?

– Ta là Ðế Thích.

– Vua bảo ta làm một khu vườn, nên ta suy nghĩ về vấn đề ấy.

– Thưa bậc Hiền trí, chớ lo âu, tôi sẽ làm cho ngài một khu vườn như rừng Nandana, như rừng Cittalata ở thiên giới. Ta sẽ làm tại chỗ nào?

– Hãy làm tại chỗ ấy.

Ðế Thích làm khu vườn xong, đi về thành chư Thiên.

Ngày hôm sau, tận mắt thấy khu vườn, Bồ-tát đi bảo cho vua:

– Thưa Ðại vương, khu vườn đã làm xong cho ngài, xin hãy đi đến tiêu khiển.

Vua đi đến, thấy khu vườn có thành bao vây, rộng mười tám khuỷu tay, có sắc đỏ, có các cửa và vọng lầu, được tô điểm với nhiều loại cây nặng trĩu hoa và trái! Vì vậy vua nói với Kālaka:

– Bậc hiền trí đã làm như lời ta nói. Nay chúng ta phải làm gì?

– Thưa Ðại vương, nếu nó có thể làm một ngôi vườn trong đêm, thời sao nó không thể cướp đoạt vương quốc?

– Nay chúng ta phải làm cái gì?

– Chúng ta có thể bảo nó làm một việc khác không thể làm đưọc.

– Việc gì vậy?

– Chúng ta bảo nó làm một cái hồ bằng bảy báu.

Vua nói:

– Tốt lắm,

Và vua cho gọi Bồ-tát đến và bảo:

– Thưa Sư trưởng, Sư trưởng đã làm xong khu vườn. Sư trưởng hãy làm một cái hồ bảy báu tương xứng với khu vườn này. Nếu không thể làm được, mạng sống của khanh không còn nữa.

Bồ-tát thưa:

– Tốt lắm, thưa Ðại vương, có thể thần sẽ làm được.

Rồi Ðế Thích làm một cái hồ tuyệt đẹp, có một trăm cái bến, có một ngàn khúc cong, trên che kín với sen năm sắc, giống như hồ trong vườn Nandana ở thiên giới.

Hôm sau, Bồ-tát tận mắt thấy cái hồ ấy liền báo cho vua biết:

– Thưa thiên tử, cái hồ đã làm xong cho ngài.

Vua thấy cái hồ, lại bảo Kālaka:

– Nay chúng ta phải làm gì?

– Thưa Ðại vương, hãy bảo nó làm một cái nhà tương xứng với khu vườn.

Vua bảo Bồ-tát:

– Thưa Sư trưởng, nay hãy làm một ngôi nhà toàn bằng ngà tương xứng với khu vườn và cái hồ này! Nếu khanh không làm đưọc, mạng sống của khanh sẽ không còn.

Và Ðế Thích làm một ngôi nhà đúng như vậy.

Hôm sau, Bồ-tát tận mắt thấy ngôi nhà liền báo cho vua biết. Vua thấy ngôi nhà ấy hỏi Kālaka:

– Nay chúng ta phải làm gì?

Thưa Ðại vương, hãy bảo nó làm một hòn ngọc tương xứng với ngôi nhà.

Vua bảo Bồ-tát:

– Này bậc hiền trí, hãy làm một hòn ngọc tương xứng với ngôi nhà bằng ngà này. Với ánh sáng hòn ngọc, trẫm sẽ đi dạo chơi trong nhà. Nếu khanh không làm đưọc, khanh sẽ không còn mạng sống nữa.

Rồi Ðế thích làm xong hòn ngọc. Hôm sau Bồ-tát tận mắt thấy hòn ngọc, liền trình vua. Vua hỏi Kālaka nên làm gì, Kālaka thưa:

– Thưa Ðại vương, thần nghĩ có một vị thần nào đó đã làm theo ý muốn của Bà-la-môn Dhammadhaja, nay hãy bảo nó làm một cái gì mà ngay các vị thần cũng không làm được. Các vị thần không thể làm được một con người đầy đủ bốn đức tánh. Do vậy, Ðại vương hãy bảo nó làm một con người giữ vườn đầy đủ bốn đức tính.

Vua bảo Bồ-tát:

– Này Sư trưởng, Sư trưởng đã làm xong cho chúng ta một khu vườn, một cái hồ, một cung điện bằng ngà, một hòn ngọc chiếu tỏa ánh sáng. Nay khanh hãy làm một người giữ vườn đầy đủ bốn đức tánh để bảo vệ khu vườn của ta. Nếu khanh không thể làm được, khanh sẽ mất mạng.

Bồ-tát đáp:

– Thưa vâng, nếu có thể, sẽ lo làm việc ấy.

Rồi ngài đi về nhà. Sau buổi ăn ngon, ngài nằm nghỉ. Sáng sớm, ngài thức dậy ngồi trên mặt giường suy nghĩ: “Thiên chủ Ðế Thích đã làm những gì có thể làm được, nhưng Ðế Thích không có thể làm con người giữ vườn đầy đủ bốn đức tánh. Sự việc là như vậy, thà chết cô độc trong rừng tốt hơn là chết trong tay người khác”.

Vì vậy, không nói với một ai, Bồ-tát từ lầu đi xuống, ra khỏi thành bằng cổng chính, vào rừng và ngồi dưới một gốc cây suy tư về thiện pháp. Ðế Thích biết sự việc ấy, hóa làm một người thợ rừng, đến gặp Bồ-tát và thưa:

– Thưa ngài Bà-la-môn, ngài được nuôi dưỡng tế nhị, sao lại đi vào rừng này ngồi làm gì?

Ðể hỏi ý nghĩa này, Ðế thích đọc bài kệ đầu:

“Ngài sống vẻ an lạc,
Sao bỏ nước vào rừng?
Như một người khốn khổ,
Một mình dưới gốc cây,
Ngồi thẫn thờ sầu muộn?”
“Sukhaṁ jīvitarūposi,
raṭṭhā vivanamāgato;
So ekako rukkhamūle,
kapaṇo viya jhāyasi”.

Nghe vậy, Bồ-tát đọc bài kệ thứ hai:

“Ta sống vẻ an lạc,
Nhưng bỏ nước vào rừng,
Như một người khốn khổ,
Cô độc ngồi gốc cây,
Suy tư về Thánh pháp”.
“Sukhaṁ jīvitarūposmi,
raṭṭhā vivanamāgato;
So ekako rukkhamūle,
kapaṇo viya jhāyāmi;
Sataṁ dhammaṁ anussaran”ti.

Dhammadhajajātakaṁ dasamaṁ.

Rồi Ðế Thích thưa:

– Thưa ngài Bà-la-môn, sự việc là như vậy, sao ngài ngồi tại chỗ này?

– Vua bảo làm một người giữ vườn đầy đủ bốn đức tánh và vì không có thể làm được một người như vậy, nên ta suy nghĩ: Sao ta lại chết trong tay người khác? Ta sẽ vào rừng, và chết cô độc ở đó. Vì vậy nên ta đến đây.

– Thưa ngài Bà-la-môn, tôi là thiên chủ Ðế Thích, tôi đã làm ngôi vườn v.v… cho ngài. Tôi không thể làm một người đầy đủ bốn đức tánh, nhưng trong nước của vua có một thợ hớt tóc tên là Chattapānī đầy đủ bốn đức tánh. Nếu phải có một người giữ vườn, hãy giới thiệu người hớt tóc này là người giữ vườn.

Ðế Thích khuyên nhủ Bồ-tát, an ủi Bồ-tát chớ sợ gì nữa, rồi đi về thành phố chư Thiên.

Bồ-tát về nhà, ăn sáng xong đi đến cửa cung, thấy Chattapānī tại đấy. Ngài cầm tay anh ta và hỏi:

– Thưa bạn Chattapānī, nghe nói bạn có đủ bốn đức tánh phải không?

Chattapānī nói:

– Ai bảo ngài tôi có đầy đủ bốn đức tánh?

– Chính thiên chủ Ðế Thích!

– Vì nguyên nhân gì Ðế Thích nói vậy?

Bồ-tát kể lại tất cả câu chuyện và nói lý do ấy.

Anh ta đáp:

– Thưa vâng, tôi có bốn đức tánh.

Bồ-tát liền cầm tay Chattapānī đi đến yến kiến vua và thưa:

– Thưa Ðại vương, Chattapānī nầy có đủ bốn đức tánh. Nếu cần một người giữ vườn, Ðại vương hãy bảo người này giữ vườn.

Vua hỏi Chattapānī:

– Có thật là khanh đầy đủ bốn đức tánh?

– Thưa vâng, tâu Ðại vương.

– Khanh có bốn đức tánh nào?

Vị ấy đọc bài kệ này:

“Tôi không có ganh tị,
Tôi cũng không uống rượu,
Tôi không có ái nhiễm,
An trú không phẫn nộ,
Thiên tử, tôi là vậy”.

Vua hỏi:

– Này Chattapānī, có phải khanh nói: Tôi không có ganh tỵ?

– Ðúng vậy, thưa Thiên tử.

– Thấy những duyên cớ gì, khanh không có ganh tỵ?

– Thưa Ðại vương, hãy nghe đây.

Chattapānī đọc bài kệ này, nói lên tính không ganh tỵ của mình:

“Xưa vì một nữ nhân,
Là vua, tôi ra lệnh,
Bắt trói vị tế sư,
Nhưng vị ấy dạy tôi,
An trú vào Thánh pháp,
Do vậy tôi không ganh”.

Rồi vua hỏi Chattapānī:

– Này Chattapānī, do thấy tác hại gì, khanh là người không uống rượu?

Chattapānī đọc bài kệ này:

“Kính thưa bậc Ðại vương,
Xưa tôi uống rượu say,
Tôi đã ăn cả thịt,
Chính đứa con trai mình,
Tôi khổ đau sầu muộn,
Thề từ bỏ uống rượu”.

Rồi vua lại hỏi:

– Này bạn, do thấy duyên cớ gì bạn không còn ái nhiễm?

Chattapānī nói lên duyên cớ ấy với một bài kệ này:

“Xưa tôi chính Ðại vương,
Tên Kī-ta-vā-sa,
Con tôi làm hư vỡ,
Bình bát Ðộc Giác Phật,
Và nó phải mệnh chung,
Do vậy, không ái nhiễm”.

Vua tiếp tục hỏi Chattapānī:

– Do duyên cớ gì, bạn trở thành người không phẫn nộ?

Chattapānī nói lên duyên cớ ấy với một bài kệ này:

“Tôi là A-ra-ka,
Bảy năm tu từ tâm,
Bảy kiếp sống Phạm thiên,
Do vậy, không phẫn nộ”.

Khi Chattapānī đã nói lên bốn đức tánh của mình, vua khen ngợi Bồ-tát trước hội chúng. Ngay lúc ấy, các vị đại thần, Bà-la-môn, gia chủ v.v… đều đứng dậy, và la lớn:

– Ôi, đồ ăn hối lộ! Ôi kẻ ăn trộm ác độc! Ngươi không được của hối lộ, nên nói xấu bậc hiền trí và muốn giết vị ấy.

Họ bắt giữ Kālaka, kéo ông ta ra khỏi cung vua, rồi chụp lấy bất cứ vật gì, kẻ lấy đá, người lấy côn, họ đánh ông ta vỡ đầu và chết ngay. Xong họ nắm chân ông ta lôi đi và quăng xác trên đống phân.

Từ đó về sau, vua trị nước thật đúng pháp, rồi đi theo nghiệp của mình lúc mệnh chung.

*

Sau khi kể Pháp thoại này, bậc Đạo sư nhận diện Tiền thân:

– Lúc bấy giờ, tướng Kālaka là Ðề-bà-đạt-đa, người thợ hớt tóc Chattapānī là Xá-lợi-phất, còn Dhammaddaja là Ta vậy.

PHẨM THỨ BẢY BUI CỎ THƠM.
BĪRAṆATHAMBHAVAGGO SATTAMO.

Tassuddānaṁ

Atha bīraṇathambhavaro ca naṭo,
Bharurājavaruttamapuṇṇanadī;
Bahubhāṇi aggipavane mūsikā,
Sahalambatthano kapaṇena dasāti.