WikiDhamma

Thư Viện Nghiên Cứu Phật Giáo


Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, 
Bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa

Ja 248 Chuyện Cây Giềng Giềng

Chuyện Tiền Thân Đức Phật
Jātaka

Chương Hai
Dukanipāta

Phẩm Chó Rừng
Siṅgālavagga

Ja 248 Kiṁsukopamajātaka

Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về Kinh Cây Giềng Giềng (Thí dụ cây Giềng Giềng).

Một hôm bốn Tỷ-kheo đi đến gặp đức Như Lai và xin đề tài thiền quán để tu tập. Bậc Ðại Sư gợi ý cho các vị ấy về đề tài thiền quán. Họ nhận được đề tài thiền quán Sáu xứ, đi về trú xứ của mình. Một vị trong số họ liễu tri Sáu xứ đã chứng quả A-la-hán. Một vị liễu tri Năm uẩn. Một vị liễu tri Bốn đại. Một vị liễu tri Mười tám giới đều chứng quả A-la-hán.

Bốn vị Tỷ-kheo trình lên bậc Ðạo Sư các quả chứng của mình. Khi ấy một Tỷ-kheo khởi lên tư tưởng: “Những đề tài thiền quán này có khả năng đưa đến Niết-bàn, vì sao tất cả lại đạt được quả A-la-hán?”, và vị này hỏi bậc Ðạo Sư.

Ngài đáp:

– Này các Tỷ kheo, sự kiện này có khác gì những người anh em thấy cây Giềng Giềng.

Nói vậy xong, theo lời yêu cầu của họ, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.

*

Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, vua có bốn con trai. Một hôm, họ gọi người đánh xe và nói:

– Này bạn, chúng tôi muốn thấy cây Giềng Giềng. Hãy chỉ cây ấy cho chúng tôi.

Người đánh xe nói:

– Lành thay, tôi sẽ chỉ.

Nhưng người đánh xe không chỉ cây ấy cho bốn người cùng một lần. Anh ta đem người anh cả lên xe đi vào rừng, và chỉ cây Giềng Giềng vào thời nó chỉ là một thân cây với các nụ mới mọc, rồi nói:

– Ðây là cây Giềng Giềng.

Sau đó anh ta chỉ cho người thứ hai một cây Giềng Giềng có lá còn xanh, rồi chỉ cho người thứ ba một cây đang trổ hoa, và chỉ cho người thứ tư một cây Giềng Giềng đã sanh trái.

Sau một thời gian, bốn anh em ngồi với nhau, và nói câu chuyện này:

– Cây Giềng Giềng giống như cây gì?

Một người nói:

– Giống như một khúc cây bị cháy!

Người thứ hai nói:

– Giống như cây bàng!

Người thứ ba nói:

– Giống như miếng thịt!

Người thứ tư nói:

– Giống như cây keo.

Họ không đồng ý với câu trả lời của mỗi người, liền đi đến vua cha và hỏi :

– Thưa Phụ Vương, cây Giềng Giềng giống cây gì ?

Vua cha nói:

– Các con trả lời thế nào ?

Và họ trình bày với Vua cha câu trả lời của mình.

Vua nói:

– Bốn con đã thấy Giềng Giềng. Nhưng khi người đánh xe chỉ cây Giềng Giềng cho các con, các con không phân tích và hỏi: Trong thời gian này, cây Giềng Giềng giống cái gì? Trong thời gian khác, cây Giềng Giềng giống cái gì? Trong thời gian khác, cây Giềng Giềng giống cái gì? Do không hỏi vậy, nên các con sinh nghi ngờ.

Rồi, vua đọc bài kệ đầu:

“Tất cả các con ta,
Ðã thấy Cây Giềng Giềng,
Nhưng chính ở nơi đây,
Cái gì làm con nghi?
Không hỏi người đánh xe,
Cây ấy ở thời nào?”
“Sabbehi kiṁsuko diṭṭho,
kinnvettha vicikicchatha;
Na hi sabbesu ṭhānesu,
sārathī paripucchito”.

Sau khi nêu rõ sự việc, bậc Ðạo Sư nói:

– Này các Tỷ kheo, giống như bốn anh em ấy, vì không biết phân tích và không hỏi, nên sinh nghi ngờ đối với cây Giềng Giềng, cũng vậy các ông đã phát sinh nghi ngờ về Chánh pháp này.

Rồi bậc Chánh Ðẳng giác đọc bài kệ thứ hai:

“Như vậy những kẻ nào,
Thiếu hiểu biết Chánh pháp,
Cũng phát sinh nghi ngờ,
Ðối với các Chánh pháp,
Giống như các anh em,
Với cây Giềng Giềng kia”.
“Evaṁ sabbehi ñāṇehi,
yesaṁ dhammā ajānitā;
Te ve dhammesu kaṅkhanti,
kiṁsukasmiṁva bhātaro”ti.

Kiṁsukopamajātakaṁ aṭṭhamaṁ.

*

Khi bậc Ðạo Sư thuyết Pháp thoại này xong, Ngài nhận diện Tiền thân:

– Bấy giờ, vua Ba-la-nại là Ta vậy.