Chuyện Tiền Thân Đức Thế Tôn
Jātaka
Chương Năm
Pañcakanipāta
Phẩm Sắc Đẹp
Vaṇṇārohavagga
Ja 370 Palāsajātaka
Câu chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về sự khiển trách tội lỗi.
Sự việc dẫn đến câu chuyện sẽ được kể trong Tiền thân Pannā.
Nhưng ở đây bậc đạo Sư bảo chúng Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo, phải dè chừng tội lỗi. Dù tội lỗ nhỏ bằng một chồi cây đa, nó cũng có thể tỏ ra rất tàn khốc. Các hiền trí ngày xưa cũng dè chừng điều gì tỏ vẻ đáng nghi ngại.
Dạy thế xong, Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, dưới triều Brahnadatta, vua ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra là một con Thiên Nga Vàng và khi lớn lên, ngài sống trong một cái hang vàng trong núi Cittakūta thuộc vùng Tuyết Sơn và thường đến ăn lúa hoang mọc ở trên một cái hồ thiên nhiên. Trên con đường ngài vẫn thường qua lại có cây Gièng Gièng lớn. Cứ mỗi bận đi và về, ngài đều dừng nghỉ tại đó. Vì thế, một mối tình bạn nảy sinh giữa ngài và vị Thần sống trong cây ấy.
Thế rồi có một con chim nọ, sau khi ăn trái chín của cây đa, đến đậu trên cây Gièng Gièng và rớt phân vào nhánh chĩa của cây ấy. Sau đó, một cây đa con mọc lên nơi ấy, cao tới một tấc và rực rỡ với những chồi đỏ, lá xanh. Thiên Nga chúa thấy thế liền bảo với Thần giữ cây:
– Này Hiền hữu, hễ cây nào bị chồi đa mọc đều bị hủy diệt vì chồi ấy lớn lên. Chớ để cho nó lớn lên, nếu không nó sẽ phá hủy chỗ ở của bạn đấy. Hãy trở về ngay, nhổ nó lên và ném nó đi. Ta phải dè chừng thứ gì tỏ ra đáng nghi ngại.
Nói với Thần cây như thế xong, Thiên Nga đọc bài kệ đầu:
Thiên Nga này nói với cội Gièng Gièng:
“Thiên Nga nói Thọ thần,
Ngự trên Cây Gièng Gièng,
Chảng ba, mọc cây đa,
Nó sẽ giết chết bạn.”
“Haṁso palāsamavaca,
nigrodho samma jāyati;
Aṅkasmiṁ te nisinnova,
so te mammāni checchati”.
Nghe như vậy, vị thần cây không chú ý đến những lời ấy, đọc bài kệ thứ hai:
“Ta nuôi cây Đa lớn,
Sẽ là chỗ nương tựa,
Như là Mẹ và Cha,
Nó đối ta cũng vậy.”
“Vaḍḍhatāmeva nigrodho,
patiṭṭhassa bhavāmahaṁ;
Yathā pitā ca mātā ca,
evaṁ me so bhavissati”.
Thế rồi Thiên Nga đọc bài kệ thứ ba:
“Để cây con mọc mầm,
Hiểm họa nơi chảng ba,
Tôi nói xong, rời đi,
Nó lớn, tôi không thích.”
“Yaṁ tvaṁ aṅkasmiṁ vaḍḍhesi,
khīrarukkhaṁ bhayānakaṁ;
Āmanta kho taṁ gacchāma,
vuḍḍhi massa na ruccati”.
Nói xong những lời kia, Thiên Nga chúa dang rộng cánh và bay thẳng về núi Cittakūta. Từ đó, Thiên Nga không quay lại nữa. Thế rồi cây đa lớn lên. Cây này cũng có vị Thần cây đổ xuống cùng với một cành. Bấy giờ nghĩ lại những lời của Thiên Nga chúa, vị Thần cây tự bảo: “Vua của loài Thiên Nga đã thấy được mối nguy hại sắp tới và báo cho ta biết nhưng ta chẳng nghe lời vị ấy”. Sầu than như thế, Thần đọc bài kệ thứ tư:
“Nó làm tôi sợ hãi,
Cao tợ núi Neru,
Hiểu lời Thiên Nga dạy,
Ta ngập trong sợ hãi.”
“Idāni kho maṁ bhāyeti,
mahānerunidassanaṁ;
Haṁsassa anabhiññāya,
mahā me bhayamāgataṁ”.
Như vậy cây đa khi lớn lên làm đổ nguyên cả cây Gièng Gièng xuống, làm cho nó chỉ còn trơ một gốc và chỗ ở của vị Thần cây bị tiêu mất hẳn.
“Cái gì khi lớn lên,
Hủy hoại nơi nương tựa,
Thiện nhân chẳng tán dương,
Dè dặt nó phá hoại,
Hiền trí quyết tận diệt.”
“Na tassa vuḍḍhi kusalappasatthā,
Yo vaḍḍhamāno ghasate patiṭṭhaṁ;
Tassūparodhaṁ parisaṅkamāno,
Patārayī mūlavadhāya dhīro”ti.
Palāsajātakaṁ dasamaṁ.
Vaṇṇārohavaggo dutiyo.
Ðây là bài kệ được cảm tác do Trí tuệ Toàn hảo.
*
Bậc Ðạo Sư chấm dứt bài giảng ở đây tuyên thuyết Tứ Ðế. Ở phần kết thúc Tứ Ðế, năm trăm vị Tỷ-kheo đắc Thánh quả và Ngài nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ Ta là Thiên Nga Vàng nọ.