Chuyện Tiền Thân Đức Phật
Jātaka
Chương Ba
Tikanipāta
Phẩm Hồ Nước
Udapānavagga
Ja 271 Udapānadūsakajātaka
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Isipatana (Trú xứ của chư Thiên), về một con chó rừng đã làm bẩn giếng nước.
Người ta nghe nói có một con chó rừng thường đến làm bẩn cái giếng mà các Tỷ-kheo thường đến múc nước, rồi bỏ đi. Một hôm, các vị Sa-di lấy đất ném nó để đe dọa. Sau đó, nó không bao giờ trở lại nơi ấy nữa.
Các Tỷ-kheo nghe chuyện ấy và bắt đầu bàn tán trong Pháp đường.
– Này các Hiền giả, con chó rừng thường làm bẩn giếng nước của chúng ta, từ khi bị các Sa-di dùng đất ném đuổi đi, đã không hề quay trở lại nữa.
Bậc Ðạo Sư đi vào và hỏi xem họ đang ngồi với nhau và thảo luận chuyện gì. Họ kể lại cho Ngài nghe. Ngài dạy:
– Này các Tỷ-kheo, đây chẳng phải là lần đầu tiên con chó rừng kia làm bẩn giếng nước. Trước kia nó cũng đã làm như thế.
Rồi Ngài kể cho họ nghe một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, chính cái giếng kia nằm tại nơi này có tên là Isipatana (Trú xứ của chư Tiên) gần Ba-la-nại. Lúc bấy giờ Bồ-tát sinh ra trong một gia đình thiện hảo. Lớn lên, ngài sống đời tu hành và cư trú tại Isipatana cùng với một nhóm người tùy tùng. Một con Chó rừng làm bẩn giếng nước như đã nói trên rồi phóng chạy đi. Một hôm, các ẩn sĩ vây bắt được nó và dẫn nó tới trước mặt Bồ-tát. Ngài nói với nó qua bài kệ đầu:
“Giếng đào thật khó khăn,
Dành cho các ẩn sĩ,
Tu hành nơi rừng sâu,
Sao ngươi làm nhơ bẩn?”
“Āraññikassa isino,
cirarattatapassino;
Kicchākataṁ udapānaṁ,
kathaṁ samma avāhayi”.
Nghe vậy Chó rừng đọc tiếp bài kệ thứ hai:
“Tập quán của chó rừng,
Đại tiện sau khi uống,
Thói quen từ tổ tiên,
Ngài không đáng để trách.”
“Esa dhammo siṅgālānaṁ,
yaṁ pitvā ohadāmase;
Pitupitāmahaṁ dhammo,
na taṁ ujjhātumarahasi”.
Bồ-tát trả lời bằng bài kệ thứ ba:
“Nếu việc này hợp Pháp,
Việc phi pháp thế nào?
Mong đây là lần cuối,
Chúng ta thấy người làm,
Dầu hợp pháp, phi pháp.”
“Yesaṁ vo ediso dhammo,
Adhammo pana kīdiso;
Mā vo dhammaṁ adhammaṁ vā,
Addasāma kudācanan”ti.
Udapānadūsakajātakaṁ paṭhamaṁ.
Bậc Ðại Sĩ khuyên nhủ nó như vậy rồi bảo:
– Ðừng đến đó nữa!
Từ đó về sau, ngay cả việc dừng lại để nhìn qua giếng, con Chó rừng cũng không dám.
*
Kể xong Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết Tứ Ðế và nhận diện Tiền thân:
– Cả hai trường hợp làm dơ bẩn nước cũng đều do chính con Chó rừng ấy, còn Ta là vị sư trưởng kia.